Tôm bọ ngựa - "Sát thủ đại dương"
Được mệnh danh là "sát thủ đại dương", loài tôm tít nhỏ bé mang tên Peacock Mantis Shrimp (Tôm bọ ngựa) sở hữu một "vũ khí " có khả năng đập nát con mồi một cách thần tốc với lực lớn hơn 1000 lần trọng lượng của chính nó.
Gọi là tôm bọ ngựa nhưng loài Peacock Mantis Shrimp này không phải tôm, cũng chẳng có họ hàng gì với loài bọ ngựa. Chẳng qua, ngoại hình của chúng mỗi nửa đều giống tôm và bọ ngựa nên được gọi như vậy. Thực chất chúng thuộc loài chân đốt, có họ hàng xa với tôm, tôm hùm.
Tôm bọ ngựa có màu sắc rực rỡ cùng với "cánh tay" màu cam giúp chúng tung ra những cú đấm chuẩn xác nhanh nhất, xé toạc con mồi.
Tôm bọ ngựa còn được gọi là tôm búa, tôm tít đuôi công, tôm bọ ngựa lông công. Mặc dù là loài động vật giáp xác biển săn mồi nhỏ bé nhưng chúng cực kỳ hung hãn, có thể xé tan con mồi trong vòng một nốt nhạc. Loài tôm tít công này được tìm thấy ở các vùng biển nhiệt đới Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Vũ khí tôm bọ ngựa luôn mang theo bên mình là chiếc càng to khỏe, cứng chắc, quặp lấy con mồi nhanh như chớp. Chúng có 8 đôi chân, trong đó 5 đôi phía trước có càng cứng, nhọn, còn lại là chân bơi. Nhờ vậy, chúng có thể tự tin đập vỡ con mồi trong thời gian ngắn.
Tôm bọ ngựa đá nát vỏ con nghêu
Vỏ nghêu chắc cứng là vậy, tôm bọ ngựa còn không ngần ngại đá vỡ thì đến loại cua biển, tôm bọ ngựa cũng tự tin "vả" không trượt phát nào. Ngẫm đến việc không có lớp vỏ rắn chắc như loài cua ốc, các loài nhuyễn thể, cá nhỏ cũng sẽ bị chúng dùng tốc độ ánh sáng xiên nát nhát một. Cho nên, ngoài được gọi là "sát thủ đại dương", tôm tít công cũng được gọi là "kẻ đập phá".
Tôm bọ ngựa xé toạc càng cua
Tôm bọ ngựa đá rách chân người
"Kẻ đập phá" có ngoại hình sặc sỡ
Sở hữu bộ cánh sặc sỡ sắc màu từ xanh lục, nâu đỏ đến hồng, vàng nhạt càng làm tăng thêm vẻ oai vệ của kẻ săn mồi dưới biển sâu. Hùng hổ đập con mồi là vậy nhưng hơi tiếc cho "sát thủ đại dương" này lại... "mù màu". Mặc dù vậy, đôi mắt sắc bén của loài tôm tít đuôi công này có cấu trúc đặt biệt, khá phức tạp.
Mắt chúng có cơ quan cảm thụ ánh sáng chứa đến 16 tế bào cảm thụ, cho phép chúng phân biệt được các rạn san hô, thậm chí cả những loài trong suốt. Đặc biệt, tôm tít bọ ngựa này có thể nhìn thấy ánh sáng phân cực, điều mà hiếm loài động vật khác nhìn thấy được. Hệ thống thị giác vừa phi thường vừa kỳ lạ, nói chúng mù màu thì hơi quá, chúng có thể phân biệt được nhiều màu sắc, nhưng những màu gần nhau, chẳng hạn như vàng với xanh vàng, thì chúng chịu.
Sống bí mật, đơn độc và không thích "ngoại tình"
Chẳng biết kẻ săn mồi nguy hiểm này có kế hoạch sống như thế nào, nhưng chúng sống rất bí ẩn và có phần đơn độc. Tôm tít công dành phần lớn cuộc đời để sống trong hang hốc của mình. Hơn nữa, chúng cũng không thích "ngoại tình" khi nhiều loài trong số chúng có thể kết đôi với bạn tình và gắn bó với nhau suốt đời. Quãng đời ấy có thể kéo dài không quá 5 năm.
Nói về cách chúng tồn tại, tôm tít công có thể được coi là một cỗ máy săn mồi tàn nhẫn. Chúng thích luồn lách và tập kích bất ngờ. Đặc biệt, chúng vô cùng quyết tâm và cố chấp khi săn mồi, khi tấn công không thành, chúng sẽ truy đuổi đến khi nào bắt được con mồi thì thôi.
Đây là một đoạn phim tài liệu ngắn của Nat Geo ghi lại cuộc sống dưới đại dương của tôm bọ ngựa
Tôm bọ ngựa thích ăn động vật nhuyễn thể và giáp xác có kích thước nhỏ. Có hơn một lý do khiến tôm bọ ngựa trở thành "chiến thần" săn mồi chuyên nghiệp dưới đại dương. Nào phải bắt được rồi sẽ trân trọng, nếu là món không quen thuộc, chúng vẫn lôi vào hang, sau đó ném ra ngoài một cách khinh thường. Dường như ảnh hưởng bởi lối sống ẩn dật, không thị phi, chúng cũng thích ăn tụi sò điệp, nghêu, ốc,.. những loài lười vận động và không mấy di chuyển.
Tôm bọ ngựa thường thay móng vuốt mỗi tháng vài lần nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến khả năng tấn công hàng chục ngàn lần trong khoảng thời gian đó của chúng. Những nhà khoa học đã tìm ra bí mật khủng liên quan đến sức mạnh của loài tôm bọ ngựa này.
Bề mặt móng vuốt của chúng do các khoáng chất hydroxyapatite tạo nên độ cứng và xếp thành các trụ vuông góc với bề mặt móng. Còn điều khiến các trụ này có sức bật đẩy là nhờ chất chitosan - một phân tử carbohydrate tạo thành chuỗi dài chất vỏ giáp xác. Chúng được xếp chồng lên nhau lệch góc theo nhiều hướng, điều đó giúp chúng tránh được các vết nứt khi đổi hướng vuốt.
Nhờ khả năng tuyệt vời đó, các nhà nghiên cứu dự định thiết kế những chiếc búa mô phỏng theo cơ chế móng vuốt của tôm bọ ngựa để ứng dụng trong kỹ thuật hàng không vũ trụ, ô tô,... Với nhiều đặc điểm như vậy, chúng đã chinh phục được biết bao trái tim người yêu sinh vật biển, dù chúng có... mù màu đi chăng nữa.