Ngày Thiếu tá Lại Bá Thành nhận quyết định trở thành bác sĩ trong lực lượng mũ nồi xanh của Liên hợp quốc sang Nam Sudan làm nhiệm vụ, việc đầu tiên anh làm là chuyển nhà từ Hà Đông lên phố Huế, tìm căn nhà trọ gần bệnh viện 108, nơi vợ anh công tác.
Hai con nhỏ cũng phải chuyển trường. Ba mẹ con tự lo cho nhau những ngày thiếu vắng bố. Chiều chiều, anh trai 7 tuổi đi đón em trai 3 tuổi. Thời gian đầu anh giấu con, nói bố đi công tác Sài Gòn. Gọi điện cho con cứ hứa hẹn bố về sẽ mua đồ chơi. Hứa mãi không về, dần dần tụi nhỏ cũng chán, không muốn nói chuyện với bố nữa.
Sau này con trai lớn biết bố đi làm nhiệm vụ quốc tế, trong bài văn viết thư ở lớp, cậu nhắn nhủ bố: "Bố cứ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, con ở nhà với mẹ ngoan lắm." Anh Thành đọc bài văn được vợ chụp gửi sang mà rơi nước mắt. 14 tháng ròng, anh là một trong 3 cán bộ của đoàn công tác 63 người không được nghỉ phép... dù chỉ một ngày.
Đoàn công tác Việt Nam tiếp quản lại bệnh viện dã chiến cấp 2 của nước Anh tại căn cứ Bentiu, Nam Sudan. Gọi là bệnh viện mà không phải bệnh viện. Đó là các lều "dã chiến" theo đúng nghĩa đen. Phải 4 - 5 tháng sau đó, một khu nhà cứng mới được dựng lên. Xung quanh không một bóng cây, chỉ có hạ tầng quân sự, nhà cửa, lau sậy và bụi. Bụi len vào từng dụng cụ y tế. Bọ đen thì hàng vốc, lúc nhúc khắp nhà.
Những ngày đầu tiếp quản, bệnh viện không có màn, cũng không ai mang theo màn. Bốn năm ngày liền ai cũng bị muỗi đốt no máu. Tám thành viên trong đoàn mắc sốt rét, người gầy như ma đói.
Nhớ nhà, nhớ con cái, nhớ người thân và nhớ cả rau. Chế độ ăn tuy có rau nhưng toàn đồ đông lạnh, hàm lượng vitamin thấp. Rau úa, chuối hỏng, mọi người tìm kiếm rau dại cho đỡ nhớ vị tươi xanh, thứ rau mà người địa phương họ không động tới.
Nhưng bụi, nóng, muỗi, bọ và rau dại vẫn có đủ thời gian để làm quen. Còn phòng mổ thì không. Bởi ngay ngày đầu tiếp quản, Thiếu tá Lại Bá Thành và đồng nghiệp của mình đã phải thực hiện một ca mổ cấp cứu viêm ruột thừa ngay tại lều.
Đó lại là lúc vừa đặt chân tới Bentiu. Không một dữ kiện nào về điều kiện môi trường, thời tiết. Toàn bộ kíp mổ là mới, chưa từng làm việc với nhau bao giờ, máy móc sơ sài, theo đúng kiểu "dã chiến". Phương tiện hỗ trợ chẩn đoán chỉ có 1 máy chụp X-Quang thường và 1 máy siêu âm dã chiến. Thời gian đơn vị của Vương quốc Anh vận hành bệnh viện này, họ không hề thực hiện bất kỳ ca mổ nào để có dữ liệu thực tế bàn giao lại.
Khó hơn nữa, bệnh nhân lại là người Mông Cổ, mà không một ai trong đoàn từng có kinh nghiệm về người Mông Cổ, không biết cơ địa họ phản ứng với thời tiết, thuốc thang, kỹ thuật ra sao. Rồi bụi có thể gây nhiễm khuẩn, nóng ẩm có thể khiến vết thương sau này khó liền.
Tình huống khiến cả kíp mổ rơi vào tình trạng cân não. Nếu chẩn đoán muộn sẽ dẫn đến xử lý muộn, chỉ hại cho bệnh nhân. Chưa kể "người ta trông vào", ngay ca đầu tiên mà không thành công dễ khiến bạn bè quốc tế có ấn tượng không tốt. Áp lực dồn lên vai phẫu thuật viên chính – bác sĩ ngoại chung Lại Bá Thành.
"Bệnh nhân có bảng lâm sàng không điển hình. Bình thường có thể là sốt, đau bên phải, phản ứng phúc mạc rõ, nhưng bệnh nhân lại không sốt. Nếu ở Việt Nam, tôi có thể cho chụp CT cắp lớp nhỏ 5mm rồi dựng hình là nhìn ra ngay. Nhưng ở đây làm gì có máy CT. Tôi buộc phải dựa trên triệu chứng khách quan: một là phản ứng thành bụng, hai là có hình ảnh siêu âm của viêm ruột thừa. Đó là yếu tố quyết định. Nếu mình cứ dựa vào đúng bảng chẩn, không dựa vào kinh nghiệm của mình thì chắc chắn là sa lầy.
Ca mổ có chút phức tạp bởi bệnh nhân còn có viêm dính phần phụ vùng bên, buộc phải bóc tách mới vào được. Mình phải xử lý cái đó cẩn thận hơn chút. Cũng may là mọi chuyện tốt đẹp." – Thiếu tá Lại Bá Thành chia sẻ.
Ruột thừa là dễ nhất và cũng là khó nhất trong ổ bụng. Trong y văn, mổ ruột thừa đòi hỏi phải có phẫu thuật viên kinh nghiệm bên cạnh phẫu thuật viên trẻ. 10 năm đứng mổ, cộng với 7 năm trong trường, tất nhiên ca mổ không quá khó khăn với bác sĩ Thành. Nhưng trong điều kiện thiếu thốn máy móc y tế, thiếu cả trải nghiệm thực tế, lại là môi trường quốc tế, nếu không chắc chắn về tiên lượng, chẩn đoán cũng như kỹ thuật thì không thể tiến hành tự tin được. Trong quá trình mổ, ê kíp của anh còn phải chụp ảnh lại để gửi mail báo cáo lên nhiều cấp của Phái bộ, khẳng định chẩn đoán của mình.
Ca mổ "chào sân" của các bác sĩ đến từ Việt Nam hôm ấy đã tạo ra một sự thay đổi không nhỏ ở Bentiu trong những tháng ngày kế tiếp.
Sau ca mổ "chào sân" cân não, Thiếu tá Lại Bá Thành không bao giờ nghĩ rằng sẽ còn có những ca mổ áp lực hơn thế nhiều lần. Ca mổ mà bản thân anh không chỉ bị đồng nghiệp nghi ngờ mà còn là sự đánh cược uy tín.
Cũng lại là một bệnh nhân Mông Cổ, nhưng địa vị rất cao, cấp bậc Đại đội trưởng, đã mổ ruột thừa 2 tháng trước đó ở bệnh viện tuyến trên và bị biến chứng.
"Ca này là ca xoắn hoại tử ruột. Tất cả y văn trên thế giới đối với xoắn vặn sâu của nội tạng là cực ngắn, chỉ có một hai dòng. Những trường hợp xoắn hoại tử trong nước cũng rất hiếm. Tôi làm 10 năm cũng chỉ gặp ba bốn ca.
Cả đồng nghiệp quốc tế lẫn đồng nghiệp của mình đều nghĩ tôi sẽ "mổ trắng" (thuật ngữ chỉ việc chẩn đoán nhầm, mổ ra phải đóng lại – pv). Bởi khi khám, triệu chứng của bệnh nhân không trung thành, đau kích thích, lăn lộn liên tục, nhưng xoắn vặn nội tạng thì bụng phải chướng mà bụng bệnh nhân lại mềm xèo. Thế là tôi phải làm thêm thủ thuật để chẩn đoán tổn thương thủng tạng rỗng sau phúc mạc, một lỗ rất nhỏ của phần ruột hoặc dạ dày. Sau khi loại trừ, tôi phải ra quyết định cuối cùng và cũng là cứu cánh cuối cùng, áp dụng cho điều kiện dã chiến. Đó là chọc dịch ổ bụng.
Chọc dịch ổ bụng rất nguy hiểm, có nguy cơ tổn thương tạng, bắt buộc phải có kinh nghiệm nhiều. Nhưng cần xem màu dịch thế nào để xác định. Kết quả là chọc ra dịch máu. Lúc này, tôi chắc chắn bệnh nhân bị xoắn hoại tử. Tóm lại chỉ có hai dữ kiện để mổ, một là lâm sàng, bệnh nhân đau kích thích liên tục, hai là dịch ổ bụng màu máu. Ca này lại là sau mổ. Kinh nghiệm cho thấy, mổ sạch mấy đi nữa, dù nội soi hay mổ mở, thì kiểu gì cũng bị dính trong ổ bụng. Kết hợp 3 yếu tố ấy, tôi quyết định mổ. Hoàn toàn là kinh nghiệm cá nhân", bác sĩ Thành nhớ lại về giai đoạn cân não để đưa ra quyết định.
Song, quyết định của bác sĩ Lại Bá Thành được đưa ra trong bối cảnh đa số không tin vào chẩn đoán của anh. Bản thân anh cũng không đặt cược 100%, vẫn có xác xuất nhầm. Bác sĩ phẫu thuật chính mà "mổ trắng" thì trách nhiệm rất lớn. Vừa tổn hại bệnh nhân, vừa tổn tại tới cả bệnh viện. Trong khi với một ca bệnh phức tạp như thế này, nếu không đưa ra quyết định cuối cùng mà chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì cũng không ai truy trách gì.
Luật bất thành văn, bệnh nhân của tuyến trên mà tuyến dưới mổ lại là rất nhạy cảm. Các bác sĩ Ấn Độ - người mổ ruột thừa cho bệnh nhân trước đó – cũng truy vấn tại sao lại phải mổ lại. Người trên phái bộ không tin. Nhưng lúc đó, trong suy nghĩ của vị bác sĩ quân y Việt Nam, quyền lợi của bệnh nhân mới là ưu tiên hàng đầu. "Thậm chí chấp nhận là mổ nhầm, nhưng làm sao phải giải quyết tình trạng của bệnh nhân ngay. Ca này tối khẩn cấp rồi, không kịp chuyển viện, không để được, để là chết."
Ca đại phẫu sinh tử diễn ra trong thời gian cấp tốc, từ lúc vào viện, chẩn đoán, hội chẩn và mổ chỉ có 3 tiếng đồng hồ. Bác sĩ Lại Bá Thành bảo, lúc đó anh bất chợt cảm thấy cô đơn!
Những hình ảnh chụp chiếu trong quá trình phẫu thuật cho thấy chẩn đoán của bác sĩ Việt Nam là chính xác. Toàn bộ dữ liệu được báo cáo lên các cấp thuộc Phái bộ. 4 ngày sau mổ, bệnh nhân ổn định, được chuyển lên tuyến trên để chăm sóc dinh dưỡng. 2 tuần sau mổ, bệnh nhân ra viện.
Ca mổ gây tiếng vang lớn trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Các bác sĩ cùng cấp người Mông Cổ trước đó còn gây áp lực đã gửi mail cảm ơn. Uy tín của bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam ngày càng lớn, không chỉ vì thực hiện được một ca mổ "khủng khiếp" mà còn vì sự quả cảm của vị bác sĩ mũ nồi xanh trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc", chỉ với ý chí duy nhất: Không để bệnh nhân phải chết oan!
14 tháng, bác sĩ Lại Bá Thành thực hiện khoảng 35 ca mổ lớn nhỏ, không ca nào xảy ra biến chứng, trong đó có cả những ca không do bệnh viện dã chiến của Việt Nam phụ trách. Theo quy định, người dân thường sẽ khám chữa bệnh ở bệnh viện không biên giới. Nhưng một phần do đội ngũ bác sĩ ở đó rất mỏng, một phần do người dân biết đến tiếng tăm của bác sĩ Việt Nam, họ cứ bảo nhau đến bệnh viện dã chiến của Việt Nam ngày một đông. Số bệnh nhân trong nhiệm kỳ đầu tiên của các bác sĩ Việt tại Nam Sudan lên đến gần 2.500 lượt, một con số lớn kỷ lục so với các bệnh viện cấp 2 ở đây.
Về nguyên tắc phải có đầy đủ bác sĩ chuyên khoa khi thăm khám bệnh, nếu không có đủ thì phải chuyển bệnh nhân đi, nhưng các bác sĩ Việt vẫn linh động xử lý để bệnh nhân không phải chịu thiệt thòi. Dù việc phẫu thuật cho người dân thường phải báo cáo nhiều, qua rất nhiều bước, nhiều cấp, nhiều đầu mối và tốn nhiều thời gian.
Thiếu tá Lại Bá Thành kể, có những khi anh phải quyết định phẫu thuật trước, báo cáo sau. Vì bệnh nhân ở tuyến dưới gửi lên muộn, không mổ sớm rất nguy hiểm đến tính mạng. Nếu chờ báo cáo đầy đủ các cấp thì bệnh nhân đã nguy kịch mất rồi.
Tuy vậy, việc nhận các ca dân sự cũng khiến các bác sĩ Việt gặp khó về tài chính. Bệnh viện phải tự cân đối khoản tiền, mà ca dân sự lại gấp 3 lần số ca thuộc diện được bồi hoàn. Danh tiếng chuyên môn của bệnh viện khiến người dân thậm chí còn nhờ quan hệ để xin vào điều trị. Người bệnh đã tìm đến, bác sĩ nào nỡ chối từ.
Ngoài nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh, các bác sĩ Việt còn thường xuyên tổ chức hoạt động tặng thuốc, tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo và trẻ nhỏ. Có bác sĩ còn đem theo đồ chơi, áo quần trẻ con, hạt giống cây để tặng cho bệnh nhân. Hình ảnh bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ở căn cứ Bentiu cứ thế trở nên gần gũi, thân thuộc với người dân Nam Sudan.
14 tháng, bác sĩ Lại Bá Thành không về phép lần nào dù đó là quyền lợi của bản thân. Lý do là không có người thay thế vị trí phẫu thuật viên chính. Nhìn anh em đồng nghiệp về thăm nhà, anh thừa nhận mình phải đấu tranh tư tưởng. "Nhưng nhiệm vụ quốc gia là hàng đầu. Khó khăn nhất là vượt qua nỗi nhớ con."
Về nước sau hành trình dài vất vả, niềm hạnh phúc với bác sĩ Lại Bá Thành là sự khôn lớn của các con. Cậu bé 7 tuổi ngày nào cũng đón em từ trường mẫu giáo đã có thể hoàn thành những bài văn viết thư mà không cần dựa vào văn mẫu. Còn cậu bé 3 tuổi đã hết giận bố từ lâu vì một lời hứa trở về.