Đây là hiện tượng bụi sa mạc tấn công lớn nhất từ 50 năm nay. Tại Tây Phi, những cơn giông bụi xuất hiện hằng ngày và gây ra nhiều cái chết, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các nhà khoa học đã tìm ra giải pháp để giảm thiểu tối đa những sự cố này.
Ô nhiễm không khí tại phần lớn khu vực trên thế giới là do các phần tử rắn từ đốt gỗ hay nhiên liệu mỏ gây ra. Tuy nhiên, tại phần lớn châu Phi, thành phần chủ yếu gây ô nhiễm là bụi thời vụ từ sa mạc Sahara. Kết hợp với bụi tự nhiên và các chất phát thải do con người tạo ra, bụi sa mạc làm giảm tuổi thọ trung bình từ 4 - 5 năm.
"Trong mấy thập niên gần đây, châu Phi và các khu vực đang phát triển khác có nhiều tiến bộ vượt bậc trong chăm sóc cải thiện tình trạng sức khỏe trẻ em, tuy nhiên hậu quả tiêu cực chủ yếu, chẳng hạn như tỷ lệ chết trẻ sơ sinh, vẫn tiếp tục giữ ở mức cao tại một số nơi" – Giáo sư Marshall Burke ở ĐH Stanford (Mỹ) cho biết.
Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Burke đã phân tích dữ liệu của gần 1 triệu ca sinh trong vòng 15 năm tại 30 quốc gia. Các nhà khoa học khẳng định, trong những năm có nhiều bụi từ sa mạc Sahara, tỷ lệ tử vong ở trẻ nằm ở mức cao. Cứ 10 mg/m3 lượng bụi vượt mức kéo theo số ca tử vong tăng thêm 24%.
Sa mạc Sahara.
Thật tiếc là các nhà khoa học không rõ biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đối với phân bổ bụi từ Sahara (tăng lên hay giảm đi). Việc ngăn ngừa bụi tràn vào nhà cho kết quả khả quan, tuy nhiên rất tốn kém, đặc biệt là tại những nơi cửa số đóng kín là biểu hiện sang trọng.
Còn khẩu trang? Chỉ những người đã ít nhiều trải qua giai đoạn mắc bệnh phổi và đường hô hấp mới thấy thấm thía và mới đeo khẩu trang.
Phần lớn bụi sa mạc Sahara xuất phát từ một phần nhỏ của nó. Đó là vùng trũng Bodele – nơi sản xuất 700.000 tấn bụi/ngày vào mùa đông. Vào những năm có nhiều mưa, bụi từ Bodele bay sang các khu vực lân cận giảm rõ rệt.
Các nhà khoa học cho rằng, các máy bơm hoạt động nhờ năng lượng Mặt trời, đặt trải dài trên vùng trũng Bodele, có thể lấy nước từ nguồn dưới đất sâu và phun lan tỏa nhằm hạn chế bụi. Phương pháp này còn giúp cây xanh phát triển, qua đó giảm đáng kể số lượng bụi.