Bức tranh "Tiếng thét": Bí mật hơn 120 năm cuối cùng đã được khoa học giải mã

Trang Ly |

Ra đời cách đây hơn 120 năm, bức tranh "Tiếng thét" vẫn là tác phẩm chứa đựng những bí ẩn mà hậu thế không ngừng giải mã.

Trong hội họa, không chỉ có bức chân dung nàng "Mona Lisa" hay "Bữa ăn tối cuối cùng" của đại danh họa Leonardo da Vinci là ẩn chứa những bí ẩn thế kỷ mà nhân loại hoài công giải mã.

Bức tranh "Tiếng thét" (The Scream) của Edvard Munch (1863 - 1944) cũng ẩn chứa những thông điệp bí mật mà họa sĩ người Na Uy muốn gửi gắm.

Bức tranh Tiếng thét: Bí mật hơn 120 năm cuối cùng đã được khoa học giải mã - Ảnh 1.

Bức tranh "Tiếng thét" vẽ năm 1893 của Edvard Munch. Ảnh: Internet.

Khuôn mặt lộ rõ sự kích động, hốt hoảng cùng đôi tay ôm lấy đầu như muốn quên đi "tiếng thét" đâu đó đã trở thành bí ẩn khó hiểu mà không phải ai cũng cảm nhận trong ý đồ của tác giả.

Không chỉ dừng ở đó, khung cảnh bao trùm bức tranh cũng trở thành đề tài khiến nhiều nhà khoa học khám phá.

Bí ẩn bầu trời ráng đỏ, vàng trong "Tiếng thét" của Edvard Munch

Nếu như vào năm 2004, các nhà thiên văn Mỹ nhận định, bầu trời ánh lên ráng vàng đỏ trong họa phẩm của Edvard Munch phản ánh bầu trời bị bụi đỏ nhuốm màu từ trận phun trào của núi lửa Krakatoa năm 1883 (Indonesia) thì mới đây, các nhà khoa học lại có kết luận khác.

Trong cuộc họp tại Vienna (Áo), các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Khoa học Địa chất châu Âu (EGU) cho biết, tác giả vẽ bầu trời trong "Tiếng thét" ánh lên sắc đỏ, vàng từ những đám mây xà cừ lóng lánh (Nacreous cloud), bao phủ rộng khắp Oslo (thủ đô của Na Uy).

Bức tranh Tiếng thét: Bí mật hơn 120 năm cuối cùng đã được khoa học giải mã - Ảnh 2.

Bầu trời trong "Tiếng thét" ánh lên sắc đỏ, vàng từ những đám mây xà cừ lóng lánh. Ảnh: Internet.

Mây xà cừ là hiện tượng hiếm gặp vì điều kiện để chúng xuất hiện là trong tầng bình lưu (cách mặt đất khoảng 20 đến 30km), ở nhiệt độ rất thấp, âm 78 độ C.

Vì là những đám mây mỏng nên mây xà cừ rất khó nhìn thấy vào ban ngày. Chúng thường dễ quan sát vào lúc hoàng hôn hoặc bình minh.

Vào thời thế kỷ 19, những đám mây trắng đột ngột chuyển sang ráng đỏ, khiến chính tác giả và những người có mặt lúc đó sợ hãi. Tiếng thét vang lên đâu đó là biểu hiện sợ hãi của những người chứng kiến hiện tượng bất thường này.

Vì lẽ đó, tác phẩm "Tiếng thét" đã ra đời. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học cũng cho rằng, bức tranh thể hiện tâm tư bất an, lo lắng của chính tác giả. Theo trường phái biểu hiện (đầu thế kỷ 20), tác giả có lẽ có cách thể hiện họa phẩm của mình theo cách riêng.

Bức tranh Tiếng thét: Bí mật hơn 120 năm cuối cùng đã được khoa học giải mã - Ảnh 3.

Chân dung họa sĩ Edvard Munch (1863 - 1944). Ảnh: Internet.

Trong cuốn nhật ký của mình, Edvard Munch đã từng viết, cả cuộc đời ít có phút giây nào trọn vẹn hạnh phúc. Không chỉ đấu tranh với bệnh tật đến cuối đời, ông mồ côi mẹ khi mới 5 tuổi, còn chị gái cũng bị bệnh lao nặng trong khoảng thời gian ông vẽ bản "Tiếng thét" đầu tiên.

Dù các bức vẽ của Edvard Munch có thể hiện sự kiện tự nhiên khác thường tại Na Uy năm 1893 hay thể hiện tiếng lòng đau đớn, hoảng hốt đi chăng nữa thì tác phẩm sau hơn 120 năm vẫn khiến hậu thế có nhiều cảm xúc khi ngắm nhìn.

Bức tranh Tiếng thét: Bí mật hơn 120 năm cuối cùng đã được khoa học giải mã - Ảnh 4.

4 bản "Tiếng thét" của Edvard Munch. Ảnh: Internet.

Từ năm 1893 đến năm 1910, Edvard Munch vẽ 4 bức "Tiếng thét" trên các chất liệu khác nhau.

Dịch từ: Dailymail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại