Ngày 10/3, các lệnh trừng phạt mà chính phủ Anh áp đặt lên tỷ phú người Nga Abramovich bao gồm việc đóng băng tài sản đã tác động đáng kể đến hoạt động của Chelsea. Chelsea tiếp tục được thi đấu nhưng các hoạt động mang lại nguồn thu hiện đều bị dừng. CLB này cũng không thể mua bán hay gia hạn với các cầu thủ.
Kể từ khi Abramovich tới với Chelsea, ông đã đầu tư và biến câu lạc bộ trở thành một biểu tượng thể thao của thành phố London với vô số những thành tích trong nước và châu Âu. Tuy nhiên trước hàng loạt những quyết định của giới chức Anh nhắm vào tài sản của ông này liên quan đến chiến tranh giữa Nga và Ukraine, Abramovich đã phải đưa ra quyết định chia tay với câu lạc bộ vài ngày trước đó.
Được thành lập vào tháng 3 năm 1905 tại khu vực Fulham, phía Tây London, Chelsea là câu lạc bộ bóng đá giàu truyền thống của nước Anh. Họ có nhiều năm thi đấu tại giải đấu hạng cao nhất của nước này cũng như sở hữu một số chức vô địch. Tuy nhiên, câu lạc bộ vẫn phải đứng dưới cái bóng của Arsenal – đối thủ cùng thành phố trong nhiều năm. Phải tới năm 2003, khi Abramovich mua lại Chelsea từ chủ tịch cũ là ông Ken Bates với cái giá 140 triệu bảng, họ mới thực sự lột xác trở thành một thế lực của bóng đá Anh.
Trong vòng 18 năm ở Chelsea, ông chủ người Nga đã đầu tư tới 1.5 tỷ bảng vào câu lạc bộ, nhiều hơn hẳn so với các câu lạc bộ khác ở Anh Quốc.
Abramovich đầu tư 1.5 tỷ bảng vào Chelsea trong gần 20 năm nắm quyền (Ảnh: SwissRamble, nguồn Fordstam Ltd)
Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2011, để phá vỡ thế độc tôn giữa Arsenal và Manchester United, Abramovich đã không ngại chi tiêu để mang về những cầu thủ và huấn luyện viên hàng đầu cho câu lạc bộ. Jose Mourinho, Arjen Robben, Didier Drogba, Ricardo Carvalho... đã đến với câu lạc bộ, thay đổi hoàn toàn vị thế của họ trong làng bóng đá Anh, với hàng loạt chức vô địch Ngoại hạng Anh, FA Cup....
Vì vậy trong giai đoạn này, câu lạc bộ lỗ tới 631 triệu bảng Anh (trong tổng số 900 triệu bảng dưới thời Abramovich). Trong 10 năm gần nhất, Chelsea vẫn lỗ tới 260 triệu bảng, lớn nhất trong nhóm Big Six (bao gồm Tottenham, Manchester United, Manchester City, Liverpool, Arsenal và Chelsea) của nước Anh.
Tổng khoản lỗ trong vòng 10 năm gần nhất của Chelsea là lớn nhất trong nhóm Big Six (Ảnh: Swiss Ramble)
Trong đó, chỉ riêng mùa giải 2020/ 2021 vừa qua, họ đã lỗ tới 156 triệu bảng do ảnh hưởng của đại dịch khi khán giả không được vào sân. Chỉ 3 câu lạc bộ của Ý và Barcelona là lỗ nhiều hơn Chelsea trong mùa giải vừa qua, mùa giải mà họ đã giành được chức vô địch Champions League thứ hai trong lịch sử hơn 100 năm của mình.
Mức lương mà họ chi trả cho các cầu thủ và huấn luyện viên tăng gấp 5 lần (từ 56 triệu bảng Anh năm 2003 lên tới 333 triệu bảng năm 2021). Tính từ năm 2019, mức lương mà họ phải trả tăng trưởng tới 89%, trong đó riêng mùa 2021, con số 333 triệu bảng của Chelsea chỉ đứng sau Manchester City (355 triệu bảng) và nhiều hơn so với MU (323 triệu bảng) cũng như Liverpool (314 triệu bảng).
Khoản lỗ trong năm 2021 của Chelsea lớn thứ 5 châu Âu, chỉ sau 3 CLB của Ý và Barcelona (Ảnh: Swiss Ramble)
Dưới thời vị chủ tịch người Nga, số lượng huấn luyện viên tới và rời đi là rất lớn; chỉ cần không đạt được những chức vô địch, câu lạc bộ sẵn sàng sa thải họ. Chính việc sa thải huấn luyện viên quá nhiều đã phần nào làm cho những con số trong báo cáo tài chính của họ bị ảnh hưởng. Số tiền bồi thường cho những huấn luyện viên bị sa thải trước khi hết hạn hợp đồng của Chelsea lên tới 96 triệu bảng Anh.
Bên cạnh đó, họ cũng dành ra 93 triệu bảng để kết thúc sớm với nhiều nhà tài trợ và 24 triệu bảng cho một số vấn đề pháp lý khác. Tổng cộng Chelsea đã dành ra một phần tư tỷ bảng Anh để chi trả cho các hoạt động đặc biệt nêu trên.
Chelsea đã phải chi ra tới 96 triệu bảng chỉ cho việc sa thải huấn luyện viên (Ảnh: Swiss Ramble)
Song việc kinh doanh của câu lạc bộ dưới thời Abramovich cũng là rất thuận lợi. Từ mức doanh thu chỉ 100 triệu bảng/ năm, Chelsea đã đạt con số gấp 4 lần vào năm 2021, tương đương 435 triệu bảng – đứng thứ 4 trong số các câu lạc bộ tại Anh. Trong bảng xếp hạng của Deloitte về doanh thu các câu lạc bộ bóng đá năm 2021 (tính theo mùa giải 2019/ 2020), Chelsea đứng ở vị trí thứ 8; trước đó, vào mùa giải 2006/ 2007, họ đạt vị trí thứ 4 – cao nhất kể từ khi Deloitte đưa ra thống kê.
Doanh thu của Chelsea đứng thứ 4 tại Anh trong năm 2021 (Ảnh: Swiss Ramble)
Trong đó, doanh thu từ thương mại của Chelsea tăng trưởng từ 34 triệu bảng năm 2004 lên 154 triệu bảng năm 2021 (mức cao nhất họ đạt được lên tới 180 triệu bảng), đứng thứ 4 ở Anh nhưng kém nhiều hơn hẳn so với Liverpool, MU và MC (đều đạt trên 210 triệu bảng).
Thu nhập từ bản quyền truyền hình của câu lạc bộ cũng tăng gần 5 lần trong giai đoạn này, đạt 274 triệu bảng vào năm ngoái. Trong 10 năm qua, chỉ Manchester City (1.8 tỷ bảng) kiếm được nhiều tiền hơn Chelsea tại nước Anh về doanh thu từ truyền hình.
Doanh thu từ bản quyền truyền hình của Chelsea trong 10 năm gần nhất chỉ đứng sau Man City (Ảnh: Swiss Ramble)
Một điểm đáng chú ý khác trong giai đoạn này là thành công ở đấu trường châu Âu đem lại cho Chelsea gần 900 triệu euro (754 triệu bảng Anh) (trong đó có 121 triệu euro (101 triệu bảng) tới từ việc vô địch Champions League mùa giải năm ngoái).
Họ chỉ một lần duy nhất không thi đấu ở các đấu trường châu Âu vào năm 2017; ngoài chức vô địch năm ngoái, họ còn 1 lần vô địch Champions League mùa giải 2011/ 2012 và 2 lần vô địch Europa league các năm 2013 và 2019. Doanh thu từ cúp châu Âu là một phần quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng doanh thu của Chelsea.
Tiền thu được từ các giải đấu châu Âu của Chelsea là rất lớn (Ảnh: Swiss Ramble)
Thêm vào đó, doanh thu của họ từ việc mua bán cầu thủ là lớn nhất tại nước Anh, nhất là sau khi UEFA ban hành luật công bằng tài chính từ năm 2012. Trong 10 năm qua, Chelsea đã thu được tới 611 triệu bảng từ việc bán cầu thủ, hơn đội đứng thứ hai là Arsenal tới 250 triệu bảng. Đây được xem là thành công của câu lạc bộ từ việc đào tạo trẻ, khi số cầu thủ xuất thân từ lò Chelsea thi đầu ở khắp châu Âu là rất lớn.
Doanh thu từ việc bán cầu thủ của Chelsea là lớn nhất tại Anh và bỏ xa các câu lạc bộ khác (Ảnh: Swiss Ramble)
Như vậy có thể thấy trong gần 20 năm Abramovich nắm quyền chủ tịch tại Chelsea, câu lạc bộ đã có những tăng trưởng đáng kể về mặt doanh thu, hình ảnh cũng như danh hiệu. Đồng hành với đó là những khoản nợ ông chủ khổng lồ (mà Abramovich tuyên bố Chelsea không cần hoàn trả cho ông) cũng như nhiều năm làm ăn thua lỗ. Những án phạt phong tỏa tài sản nhắm vào ông chủ người Nga không thể che giấu được tình yêu của ông dành cho câu lạc bộ, cũng như cách mà Abramovich đã lộ xác Chelsea, biến họ trở thành trở thành biểu tượng bóng đá không chỉ tại Anh mà còn trên bình diện châu Âu.