Bức tranh phức tạp về căng thẳng Nga

Hoàng Phạm |

Hai quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với CNN rằng, Bộ Quốc phòng đã xây dựng các lựa chọn quân sự cho Tổng thống Biden nếu ông quyết định tăng cường khả năng ở Đông Âu để răn đe các hành động gây hấn tiềm tàng của Nga nhằm vào Ukraine.

Lính Nga khai khỏa hệ thống phòng không Verba trong một cuộc tập trận tại thao trường Opuk ở Crimea. Ảnh: Getty

Lính Nga khai khỏa hệ thống phòng không Verba trong một cuộc tập trận tại thao trường Opuk ở Crimea. Ảnh: Getty

Căng thẳng giữa Ukraine và Nga đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, với việc Nga tập trung hàng chục nghìn binh sỹ gần biên giới 2 nước, dấy lên lo ngại Moscow có thể xâm lược nước láng giềng trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Ukraine cảnh báo Nga sẽ tìm cách gây bất ổn cho Kiev trước bất cứ cuộc tấn công quân sự nào. Trong những tuần qua, các nước phương Tây nhiều lần cảnh báo Nga không nên có các động thái gây hấn với Ukraine.

Điện Kremlin bác bỏ có kế hoạch tấn công, đồng thời tuyên bố sự ủng hộ của NATO đối với Ukraine , trong đó việc tăng cường viện trợ vũ khí và huấn luyện quân sự là mối đe dọa ngày càng tăng ở sườn phía Tây của Nga.

Tình hình hiện nay ở biên giới Nga-Ukraine

Mỹ và NATO gọi việc điều động và tập trung binh sỹ của Nga gần biên giới Ukraine là động thái “bất thường”.

Khoảng 100.000 binh sỹ Nga vẫn còn ở khu vực gần biên giới Ukraine, bất chấp những lời cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu về hậu quả nghiêm trọng nếu Nga tấn công Ukraine. Các thông tin tình báo của Mỹ đánh giá Nga có thể tiến hành một chiến dịch quân sự vào Ukraine khoảng đầu năm 2022.

Các bức ảnh vệ tinh cuối năm 2021 cho thấy khí tài của Nga – trong đó có pháo tự hành, xe tăng chiến đấu, xe chiến đấu bộ binh – hoạt động tại một thao trường huấn luyện cách biên giới với Ukraine khoảng 300km. Tuy nhiên, không có nhiều thông tin khác được công bố để củng cố cáo buộc của phương Tây về mối đe dọa từ Nga.

Trên thực tế, rất nhiều căn cứ quân sự của Nga được đặt ở phía Tây, bởi lịch sử cho thấy, các mối đe dọa tiềm tàng nhất đối với Moscow đều xuất phát từ hướng này.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 1/12 tuyên bố nước này đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự mùa đông “thường xuyên” ở khu vực phía Nam, giáp với Ukraine. Các cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 10.000 binh sỹ.

Trong khi đó, khu vực Donetsk và Luhansk (còn được gọi là Donbas) ở phía Đông Ukraine, tiếp giáp Nga, nằm trong sự kiểm soát của lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn từ năm 2014. Các tiền tuyến của cuộc xung đột gần như không thay đổi trong nhiều năm, nhưng vẫn thường xuyên có các cuộc đụng độ quy mô nhỏ và các cuộc tấn công bắn tỉa.

Nga giận dữ khi các lực lượng Ukraine lần đầu tiên triển khai máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất hồi tháng 10/2021 để tấn công vị trí của các lực lượng ly khai ở Donbas. Moscow cũng duy trì lực lượng lên tới hàng chục nghìn binh sỹ tại căn cứ hải quân quy mô lớn ở Crimea - bán đảo mà Nga sáp nhập năm 2014.

Lịch sử xung đột giữa Nga và Ukraine

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine - 2 nước thuộc Liên Xô trước đây, leo thang cuối năm 2013 liên quan tới thỏa thuận thương mại và chính trị then chốt giữa Kiev với Liên minh châu Âu (EU). Sau khi Tổng thống thân Nga khi đó, Viktor Yanukovich, đình chỉ các cuộc đối thoại với EU, các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần ở Kiev đã bùng phát thành bạo lực.

Tháng 3/2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Tiếp sau đó, lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk và Luhansk của Ukraine đã tuyên bố độc lập, kéo theo các cuộc giao tranh kéo dài nhiều tháng. Mặc dù Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015, lệnh ngừng bắn vẫn nhiều lần bị vi phạm.

Liên minh châu Âu và Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp đáp trả hành động của Nga ở Crimea và miền Đông Ukraine, trong đó có cả trừng phạt kinh tế nhằm vào các cá nhân, thực thể và các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế Nga.

Trong khi đó, Điện Kremlin cáo buộc Kiev khuấy động căng thẳng ở miền Đông Ukraine và vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk.

Quan điểm của Nga

Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ Nga có kế hoạch xâm lược Ukraine, khẳng định Nga không dấy lên mối đe dọa với bất cứ ai và việc nước này điều động binh sỹ bên trong lãnh thổ không nên là nguyên nhân khiến châu Âu phải báo động.

Nga coi sự ủng hộ ngày càng gia tăng của NATO với Ukraine, cả về khía cạnh cung cấp vũ khí, huấn luyện và nhân sự là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi một thỏa thuận pháp lý cụ thể nhằm đảm bảo NATO không tiếp tục mở rộng về phía Đông, tới gần biên giới Nga, đồng thời nhấn mạnh phương Tây đã không thực hiện những đảm bảo bằng lời nói trước đây.

Ông Putin cũng cảnh báo việc NATO triển khai vũ khí phức tạp ở Ukraine, như hệ thống tên lửa, sẽ vượt “lằn ranh đỏ” của Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây cảnh báo, nếu Mỹ và các đồng minh NATO không thay đổi quan điểm trong vấn đề Ukraine, Nga “có quyền lựa chọn cách thức đảm bảo lợi ích an ninh hợp pháp của mình”.

Quan điểm của Ukraine

Chính phủ Ukraine khẳng định Nga không thể ngăn cản Ukraine xây dựng mối quan hệ thân cận hơn với NATO nếu Kiev lựa chọn như vậy.

“Bất cứ đề xuất nào của Nga về việc thảo luận với NATO hay Mỹ về các phương thức đảm bảo liên minh không mở rộng về phía Đông đều bất hợp pháp”, Bộ ngoại giao Ukraine nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo rằng một cuộc đảo chính có thể là một phần trong kế hoạch của Nga trước bất cứ cuộc tấn công quân sự nào.

“Sức ép quân sự bên ngoài sẽ đi cùng với việc gây bất ổn bên trong đất nước”, ông Kuleba nói.

Căng thẳng giữa 2 nước trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng năng lượng mà Ukraine cho rằng Nga đã khiêu khích một cách chủ đích.

Mỹ và NATO nói gì?

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo “Nga sẽ phải trả giá đắt” nếu xâm lược Ukraine – một đối tác của NATO.

“Chúng tôi có nhiều lựa chọn: trừng phạt kinh tế, trừng phạt tài chính hay hạn chế về chính trị”, ông Jens Stoltenberg cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNN.

Ukraine không phải là thành viên NATO, dó đó không có sự đảm bảo an ninh tương tự như các thành viên của khối. Tuy nhiên, ông Stoltenberg để ngỏ khả năng Ukraine trở thành thành viên của liên minh quân sự này.

Trong cuộc điện đàm đầu tháng 1/2022 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ “phản ứng kiên quyết nếu Nga xâm lược Ukraine”.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine có cuộc điện đàm vài ngày sau khi Tổng thống Biden kêu gọi Tổng thống Nga Putin xoa dịu khủng hoảng ở biên giới và trước khi giới chức Nga, Mỹ có cuộc gặp trực tiếp tại Geneva, Thụy Sỹ trong tháng này.

Hai quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN ngày 3/1 rằng, Bộ Quốc phòng đã xây dựng các lựa chọn quân sự cho Tổng thống Biden nếu ông quyết định tăng cường khả năng ở Đông Âu để răn đe các động tháo gây hấn tiềm tàng của Nga nhằm vào Ukraine. Cả hai quan chức đều nhấn mạnh đây là một phần trong kế hoạch quân sự thông thường và hiện tại, trọng tâm vẫn là ngoại giao và các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama trước đây đã bất ngờ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và ủng hộ lực lượng nổi dậy ở Donbas. Giới chức Mỹ nói rằng Washington không muốn bị bất ngờ về một chiến dịch quân sự nào khác của Nga.

“Mối lo ngại của chúng tôi là Nga có thể sẽ mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi tái diễn những gì đã từng xảy ra năm 2014, khi họ điều động lực lượng lớn dọc biên giới Ukraine”, ngoại trưởng Blinken cho biết hồi tháng 11/2021.

Yếu tố năng lượng

Một vấn đề lớn khác liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine là việc cung cấp năng lượng. Ukraine coi đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển trực tiếp khí đốt từ Nga tới Đức, là một mối đe dọa đối với an ninh nước này.

Dòng chảy phương Bắc 2 là một trong hai đường ống Nga đặt dưới biển Baltic ngoài hệ thống đường ống trên bộ chạy qua các nước Đông Âu, trong đó có Ukraine.

Ukraine coi các đường ống chạy qua nước này là một yếu tố bảo vệ trước sự xâm lược tiềm tàng của Nga, bởi bất cứ hành động quân sự nào cũng có thể làm ngắt quãng dòng khí đốt thiết yếu từ Nga sang châu Âu.

Các nhà phân tích và các nhà lập pháp Mỹ đã nêu quan ngại rằng Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga và cho phép Moscow nhắm vào những nước cụ thể như Ukraine để ngắt dòng chảy năng lượng mà không làm gián đoạn việc cung cấp cho châu Âu. Dòng chảy phương Bắc 2 không đi qua các nước Đông Âu cũng có nghĩa là những nước này sẽ bị mất khoản tiền phí trung chuyển mà Nga trả cho họ.

Tháng 5/2021, chính quyền Biden miễn trừ trừng phạt nhằm vào công ty đứng đằng sau Dòng chảy phương Bắc 2, bật đèn xanh cho dự án này đi vào hoạt động. Giới chức Mỹ nói rằng động thái này nằm trong lợi ích an ninh quốc gia Mỹ khi Washington đang tìm cách khôi phục mối quan hệ với Đức.

Tuy nhiên, tháng 11/2021, Mỹ đã áp trừng phạt mới đối với 1 thực thể liên quan tới Nga và 1 tàu liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2. Một số thượng nghị sỹ Mỹ đã kêu gọi chính quyền Biden gia tăng trừng phạt để ngăn Nga sử dụng dự án này như một vũ khí gây sức ép với châu Âu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại