Bức tranh kinh tế Mỹ - Âu u ám

Người lao động |

Giá dầu điều chỉnh trong bối cảnh báo cáo lạm phát tăng nóng trong tháng 8 có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất vào tuần tới.

Giá dầu thô Brent có lúc giảm còn 93 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 14-9 (giờ địa phương) trong khi giá dầu WTI có thời điểm giảm còn 87,20 USD/thùng.

Giá dầu sụt giảm sau khi báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Cục Thống kê Lao động Mỹ hôm 13-9 cho thấy lạm phát của Mỹ cao hơn dự báo. Lạm phát vẫn tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái dù giá xăng đã giảm mạnh.

Lạm phát lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, cũng tăng 0,6% so với tháng 7 và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021. Giới phân tích dự báo FED sẽ tuyên bố tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp để ngăn lạm phát trong cuộc họp vào ngày 20 và 21-9 tới.

Tại Trung Quốc, các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 đang làm giảm nhu cầu nhiên liệu của nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này. Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ cũng đã tăng khoảng 6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9-9, theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ.

Giá dầu cũng điều chỉnh giảm sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hôm 13-9 thông báo vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023.

 Bức tranh kinh tế Mỹ - Âu u ám  - Ảnh 1.

Một khách hàng mua sắm ở cửa hàng tại vùng Mount Pleasant thuộc Washington - Mỹ. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó tại Anh, theo đài CNBC, lạm phát đã giảm vào tháng 8 nhờ giá nhiên liệu giảm nhưng giá lương thực tiếp tục tăng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt vẫn tiếp diễn.

Theo ước tính do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) hôm 14-9 công bố, CPI trong tháng 8 tăng 9,9%, thấp hơn so với dự báo 10,2% của các nhà kinh tế do Reuters thăm dò và giảm từ mức 10,1% hồi tháng 7.

Anh vẫn đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong số các nền kinh tế lớn và Ngân hàng Trung ương Anh nhiều khả tiếp tục tăng lãi suất vào ngày 22-9 tới.

Theo Financial Times, tỉ lệ thất nghiệp ở Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974 trong bối cảnh nền kinh tế đình trệ, làm tăng lo ngại tình trạng thiếu lao động khiến vấn đề lạm phát trầm trọng thêm.

Số liệu của ONS công bố hôm 13-9 cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tại Anh trong 3 tháng tính đến tháng 7 đã giảm xuống mức 3,6%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý trước. Tỉ lệ có việc làm cũng giảm 0,2%, xuống mức 75,4%.

Số liệu của ONS cũng cho thấy tỉ lệ thất nghiệp giảm không phải do số người có việc làm tăng mà do có thêm nhiều người cho biết họ không đi làm và không tìm kiếm việc do đi học hoặc điều kiện sức khỏe không bảo đảm.

Bà Yael Selfin, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Tài chính KPMG (Anh), cho rằng bất chấp sự tăng trưởng về việc làm, tổng số giờ làm việc hằng tuần đã giảm so với quý trước đó, dẫn đến số giờ làm trung bình giảm.

Điều này cho thấy các công ty giảm giờ làm của nhân viên thay vì sa thải họ, phù hợp với thực tế tỉ lệ thất nghiệp tương đối thấp. Việc thanh toán các khoản chi phí cho người lao động tiếp tục bị siết chặt do tăng trưởng tiền lương không theo kịp với lạm phát tăng vọt.

Trong nỗ lực ngăn khủng hoảng năng lượng đang làm gia tăng lạm phát khiến các ngành công nghiệp phải đóng cửa sản xuất và các hộ gia đình tăng chi phí sinh hoạt, các chính phủ châu Âu đã chi gói hỗ trợ lên đến hàng trăm tỉ euro.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 14-9 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ đề xuất các biện pháp áp trần lên doanh thu các công ty sản xuất điện từ nguồn có chi phí thấp, như năng lượng tái tạo, thay vì từ khí đốt đắt đỏ. Động thái này có thể giúp thu về hơn 140 tỉ USD để hỗ trợ cho những người tiêu dùng chịu ảnh hưởng từ giá năng lượng tăng cao.

Theo Reuters, EC cũng lùi kế hoạch áp trần giá dầu nhập khẩu từ Nga khi nhiều nước thành viên EU không thống nhất được vấn đề này do lo ngại thiếu hụt nguồn cung năng lượng vào mùa đông tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại