Nếu trông thấy trận chiến giữa một con sóc và một con rắn, bạn nghĩ bên nào sẽ thắng? Có lẽ, đa số sẽ chẳng ai đặt cược cho sóc cả. Tương quan chênh lệch đã quá rõ ràng khi rắn là loài săn mồi đáng sợ, còn sóc thì nổi tiếng hiền lành, chỉ ăn quả, hạt thôi.
Nhưng có vẻ tất cả đã nhầm, ít nhất là theo như tấm hình đang được cư dân mạng chia sẻ dữ dội gần đây, về cảnh một con sóc đang cầm đầu rắn mà gặm như ăn kem.
Được biết, tấm ảnh này được chụp vào năm 2009 bởi William Leggett - kiểm lâm Công viên quốc gia núi Guadalupe phía Tây Texas. Con sóc trong hình thuộc giống sóc đá (rock squirrel), đang sử dụng móng chân trước để tóm chặt lấy đầu của một con rắn - theo mô tả thì thuộc loài rắn roi sọc (Masticophis taeniatus), có độc tính khá đáng sợ.
Đừng nghĩ đây là một cảnh được dàn dựng, bởi Leggett có chụp thêm vài tấm về những gì diễn ra kế tiếp. Con sóc sau đó đã ăn gần như toàn bộ cái xác rắn nó có được.
Dù đã được chụp khá lâu, mới đây Cục công viên quốc gia Hoa Kỳ (NPS) đã cho đăng lại tấm hình lên mạng xã hội, và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Theo như lời dẫn từ bài đăng, con sóc chỉ để lại độ 5cm thân rắn mà thôi.
Sóc ăn thịt rắn - chuyện gì đang xảy ra đây?
Có thể nhiều người sẽ cảm thấy lạ, nhưng với giới khoa học thì đây là hiện tượng hết sức bình thường. Thực tế đúng là sóc không hề hiền lành như chúng ta tưởng.
"Sóc là loài rất cơ hội. Chúng thường ăn hạt, quả và các loài thực vật, nhưng đơn giản vì đó là những thứ sẵn có và dễ kiếm tìm. Nếu có cơ hội, chúng sẽ ăn côn trùng, thằn lằn, thậm chí là cả rắn." - Leggett chia sẻ với HuffPost.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa sóc và rắn cũng "dây mơ rễ má" nhiều hơn chúng ta tưởng. Năm 2007, một nghiên cứu công bố trên Kỷ yếu của Hội hoàng gia cho biết một số loài sóc thường nhặt da đã lột của loài rắn chuông.
Chúng sẽ nhai lớp da rắn, sau đó liếm lên lông toàn thân để phủ mùi, ngăn bản thân bị tấn công.
Thậm chí, có cả một video về cảnh sóc và rắn đánh nhau, với phần thắng nghiêng về phía kẻ yếu nữa kia.
Trận chiến cho thấy loài sóc có thể không hiền như bạn tưởng
Tham khảo: Science Alert, Daily Mail