Bức ảnh chụp cực Bắc của sao Hỏa với những tảng băng sáng, những vùng lõm tối là những bằng chứng cho thấy có sự xuất hiện của bão và những trận gió mạnh.
Trong số các hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời, sao Hỏa là hành tinh có các mùa gần giống với Trái Đất nhất. Mặc dù, thời gian một năm của sao Hỏa dài gấp đôi Trái Đất.
Cực Bắc của hành tinh này có rất nhiều thay đổi trải qua các mùa. Cả vùng được che phủ bởi các lớp băng khiến chúng có sự thay đổi khó nhận ra ở cả cấu tạo và phạm vi ảnh hưởng.
Các lớp băng dày che phủ cả vùng quanh năm. Cho đến mùa đông, khi nhiệt độ rơi xuống cực điểm -143 độ C, carbon dioxide (CO2) đóng băng và kết tủa ra khỏi không khí mỏng, tạo thành một lớp CO2 đông lạnh trên mặt băng với độ dày khoảng 2 mét.
Cùng thời điểm đó, những đám mây CO2 cũng hình thành, che khuất tầm nhìn và sẽ rất khó có thể chụp được một bức ảnh trong tình trạng đó. Tuy nhiên, nhờ sở hữu máy ảnh nổi với độ phân giải cao (HRSC), tàu vũ trụ Mars Express hiện đang sở hữu được bức hình đáng quý này.
Máy ảnh HRSC cho ra những bức hình đầy màu sắc, có thể ghi lại toàn bộ bề mặt của sao Hỏa với độ phân giải khoảng 10 mét. Bên cạnh đó, để chụp một số các khu vực chọn lọc trên hành tinh đỏ, người ta còn sử dụng dòng máy khác (SRC) để cho ra những bức hình với độ phân giải khủng 2.3m/pixel trong khoảng 2.35km vuông.
"Sức mạnh của máy ảnh HRSC là cho ra những hình ảnh sắc nét của bề mặt sao Hỏa nhằm cung cấp bối cảnh địa hình phục vụ cho việc đánh giá địa chất trong quá trình hình thành bề mặt trong không gian và thời gian", Ralf Jaumann, chuyên viên nghiên cứu HRSC từ Viện Nghiên cứu hành tinh, DLR (Berlin, Đức) cho biết.
Các nét xoắn ốc tại cực Bắc của sao Hỏa.
Các vùng lõm màu đỏ và nâu trông giống như tảng băng bị cắt xuyên thủng. Nhưng thực chất là một phần của một đường xoắn ốc lớn hiện lên từ trung tâm của cực bắc. Nhìn từ trên xuống, chúng trông giống đường vẽ ngựa vằn.
Các nhà khoa học nhận định rằng gió Katabatic là nguyên nhân chính tạo ra các đường vẽ bất thường trên bề mặt sao Hỏa. Gió Katabatic thổi hướng xuống bề mặt Sao Hỏa mang theo không khí đặc quánh, lạnh ngắt; thổi vào các sông băng vùng cực, cao nguyên băng, vùng trũng và thung lũng.
Mục đích sử dụng máy ảnh HRSC trên tàu vũ trụ Mars Express nhằm nghiên cứu các quá trình hình thành bề mặt của sao Hỏa theo thời gian, bao gồm các yếu tố gió và bão cũng như các thay đổi theo mùa ở các cực của hành tinh này.
Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến các lớp băng ở hai cực. Đây là các điểm nắm giữ manh mối về cách thay đổi khí hậu trong hàng triệu năm tại hành tinh này.
Miệng núi lửa Korolev trên sao Hỏa được chụp từ máy ảnh HRSC của tàu vũ trụ Mars Express. (Ảnh: ESA)
Tàu vũ trụ Mars Express quay quanh sao Hỏa từ năm 2003. Thời điểm ban đầu, nó đã chụp toàn bộ bề mặt sao Hỏa ở tốc độ 10m/pixel bằng máy ảnh HRSC và chọn các khu vực ở mức 2m/pixel với máy ảnh SRC.
Trong quá trình thăm dò tại sao Hỏa, tàu vũ trụ này cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin về quá trình hình thành, cấu trúc bề mặt, cùng những góc nhìn tuyệt vời về núi lửa hay miệng núi lửa khổng lồ tại Hành tinh Đỏ.