Bức ảnh khủng khiếp giữa phố Hà Nội và câu hỏi rất khó trả lời

Trương Anh Ngọc |

Một đứa trẻ vệ sinh ra đó cũng chẳng sao cả. Rồi gió sẽ làm khô đi, nắng sẽ làm bay hơi, và điều quan trọng nhất, chẳng ai biết cô và con cô là ai, mà biết cũng chẳng để làm gì. Vậy thì việc gì phải xấu hổ?

Cảnh tượng lúc ấy có thể gây sửng sốt cho bất cứ ai được chứng kiến trực tiếp và cũng có thể làm những ai xem tấm ảnh chụp lại cảm thấy rùng mình: cánh cửa xe ô tô mở ra, một cái mông trẻ con xuất hiện, và rồi khung cảnh của một người cha xi cho con vệ sinh ngay xuống đường.

Nó diễn ra một cách ngang nhiên hơn giữa một biển người lộn xộn, bực dọc, cáu kỉnh, ầm ỹ, hỗn độn và huyên náo vào giờ mà rất nhiều con đường tắc nghẽn.

Tấm ảnh được đưa lên trên mạng xã hội và nhanh chóng tạo ra một làn sóng rất nhiều chiều. Có người chỉ trích ông bố tự nhiên chủ nghĩa đã biến đường phố thành một nhà vệ sinh công cộng.

Lại có người tỏ ra thông cảm và nêu lên một vấn đề nghiêm trọng mà Hà Nội đã và đang đối mặt: tắc đường quá, đến mức người ta buộc phải đi vệ sinh ngay giữa đường, vì không còn một lựa chọn nào khác.

Tôi, người thường xuyên mắc kẹt giữa những hàng xe đi lại lộn xộn và hầu như chẳng theo quy luật nào vào giờ tan tầm ấy, cũng không dám chắc mình có thông cảm cho người cha ấy hay không.

Đương nhiên, khi ta không ở hoàn cảnh ấy, ta rất khó có thể hiểu được điều gì đã xảy ra và do đó, chưa thể có ngay một thái độ tích cực với hành động ấy, nhưng tôi tin, rất nhiều người trong chúng ta chắc chắn cũng có lúc ở trong tình trạng "ngặt nghèo" ấy ở giữa một đám tắc đường, khi bụng dạ ta có vấn đề, khi ta có "nhu cầu" mà không thể nào nhanh chóng trở về nhà, hoặc đến một nơi nào đó để "giải quyết".

Nhưng ta là người lớn, ta nhịn được, dù đôi khi việc này cũng rất khó khăn, còn câu chuyện trong tấm ảnh lại liên quan đến một đứa trẻ.

Thật khổ những đứa trẻ đã qua tuổi đóng bỉm bị mắc kẹt cùng người thân của chúng trên những con đường bị tắc.

Chúng không thể nhịn được, và rồi, khi cha mẹ chúng vứt sự xấu hổ sang một bên (nếu sự xấu hổ đó còn tồn tại) để làm cái việc ai cũng rùng mình đó.

Thực ra, chỉ trích một người cha hay người mẹ bị mắc kẹt giữa đường phải giải quyết nhu cầu cho con cái mình là một việc dường như đã trở nên quen thuộc, khi bao lâu nay, việc biến lòng đường và vỉa hè thành nhà vệ sinh công cộng là một chuyện quá đỗi quen thuộc.

Cuộc sống ngày càng văn minh lên, với mạng xã hội trở thành một công cụ tố cáo các hành vi thiếu mỹ quan như tè bậy, nhưng không đồng nghĩa với tình trạng đó giảm đi.

Cảnh đàn ông tè bậy dọc đường hoặc bên những gốc cây, bờ tường, sau những trận nhậu; cảnh các bà bán rau cúi đầu xuống, mắt nhìn xung quanh và chừng như thấy "không có vấn đề gì’, khe khẽ vén vạt quần lên để "trả lời tiếng gọi thiên nhiên" ở một góc chợ, vẫn tồn tại một cách dai dẳng ở các đô thị, ngay giữa ban ngày. 

Người đi đường có nhìn thấy những cảnh ấy cũng tảng lờ như không thấy.

Bức ảnh khủng khiếp giữa phố Hà Nội và câu hỏi rất khó trả lời - Ảnh 1.

Ảnh: VNN.

Những dòng chữ "cấm đái bậy" hoặc "đái bậy phạt (số tiền)" không có ý nghĩa răn đe đối với những ai vẫn duy trì thói quen xấu ấy, bởi họ không cảm thấy xấu hổ với điều họ đã làm và cũng có thể, họ không có nhiều lựa chọn nào khác, khi nhà vệ sinh công cộng là một thứ vô cùng xa xỉ ở một thủ đô mà nơi đâu cũng có thể là đất vàng.

Và nữa, những bà mẹ cho con vệ sinh bên hè đường vẫn là một hình ảnh rất quen thuộc ở Hà Nội.

Chính tôi, trong một buổi cà phê hè đường, đã từng chứng kiến một bà mẹ bế con từ trong quán đi ra và xi tè cho nó ngay trước mặt mình, chỉ cách chừng hai mét.

Bà mẹ rất trẻ, chừng hơn 20 tuổi, là người thành thị đàng hoàng, nhưng làm việc đó một cách rất tự nhiên như thể ta đang ăn một bát cơm.

Quán có toilet rất sạch sẽ và thơm tho, có cả một bồn cầu vừa cỡ trẻ con. Nhưng cô gái vẫn không cho con mình vào đó đi vệ sinh, mà chọn lề đường với phía trước biết bao người lại qua, như một cái toilet công cộng cho nó.

Cô ta làm thế, bởi không chỉ không làm được một việc văn minh, là tự tạo cho con thói quen đi vệ sinh, mà còn giữ nguyên thói quen cũ, bẩn thỉu, tuỳ tiện, ích kỉ và thiếu văn hoá mà rất nhiều người đã và đang làm.

Có thể chính cô đã từng được cha mẹ làm như thế khi cô còn nhỏ.

Bức ảnh khủng khiếp giữa phố Hà Nội và câu hỏi rất khó trả lời - Ảnh 2.

Có thể cô đã chứng kiến rất nhiều người làm như thế mà không bị phàn nàn, cản trở, và cho rằng làm như thế chẳng ảnh hưởng đến ai. Nhưng cũng có thể cô nghĩ rằng, như thế thực sự tiện.

Có những người suy nghĩ một cách kinh khủng: Phải, hè đường, lòng đường, lề đường là của chung, nghĩa là chẳng phải của ai cả.

Một đứa trẻ vệ sinh ra đó cũng chẳng sao cả. Rồi gió sẽ làm khô đi, nắng sẽ làm bay hơi, và điều quan trọng nhất, chẳng ai biết cô và con cô là ai, mà biết cũng chẳng để làm gì. Vậy thì việc gì phải xấu hổ?

Những cảnh đáng sợ ấy rất có thể sẽ trở nên bình thường dù ban đầu có thể gây sốc, một khi những người đàn ông và phụ nữ cho con tè đường kia vẫn không biết xấu hổ, và tắc đường đang là một căn bệnh trầm kha, một nỗi ám ảnh kinh khủng đối với không biết bao người lưu thông trên đường vào những lúc kẹt xe?

Đó là câu hỏi rất đáng sợ nhưng rất khó tìm ra câu trả lời thỏa đáng, nếu hàng ngày chúng ta vẫn phải chôn chân hàng tiếng đồng hồ trên đường mà không thể quay ngang, quay ngửa hoặc tạt vào một căn nhà ven đường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại