Từng có một câu chuyện gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc:
Sáng sớm, tại một quán bán bánh mì ở Thanh Đảo, cậu bé 11 tuổi mải mê lăn bột bất chấp thời tiết lạnh giá. Em đeo khẩu trang và tạp dề, kỹ thuật nhào bột điêu luyện như một "đầu bếp bậc thầy". Cô em gái bên cạnh chỉ mới 6 tuổi cũng giúp việc ở quầy hàng giống như anh.
Giữa khu chợ nhộn nhịp, đầy người lớn, cậu em trai nhỏ này đã trở thành khung cảnh "đặc biệt" nhất. Đang ngày nghỉ, những đứa trẻ khác ngủ và chơi ở nhà nhưng hai đứa trẻ này vẫn thức dậy từ lúc 3, 4 giờ sáng để giúp cha mẹ. Thấm thoát đã suốt 4 năm nhưng chưa bao giờ hai đứa trẻ trì hoãn việc học của mình.
Kỳ thi cuối kỳ của cậu bé đạt 3 điểm A, điểm thường ở mức tốt. Em rất ít khi chơi điện thoại di động mà tập trung hơn vào việc đọc sách, mỗi ngày đọc một cuốn sách.
Nói về ước mơ tương lai, đôi mắt em lấp lánh: "Lớn lên em sẽ học ngành Y. Tốt nhất nên làm bác sĩ quân đội". Khi được hỏi có ghen tị với những người bạn cùng lớp được vui vẻ vào ngày nghỉ không, cậu bé thẳng thắn nói rằng mình "không ghen tị lắm" vì hoàn cảnh mỗi người đều khác nhau. Khi được hỏi tại sao không ngủ ở nhà, em nói mình không thể ngủ ngon vì luôn nghĩ đến bố mẹ vất vả và "giúp đỡ bố mẹ còn quan trọng hơn việc chơi đùa".
Ngay từ nhỏ đã biết thông cảm với cha mẹ và sẵn sàng hy sinh thời gian nghỉ ngơi, rời xa chăn nệm êm đềm để đến chợ phụ giúp. Không phải tất cả trẻ em đều có thể làm được điều này.
Lòng hiếu thảo không bao giờ đến từ sự chiều chuộng
Một phụ huynh cũng bán bữa sáng chia sẻ trong phần bình luận: "Con trai tôi 12 tuổi và nó chưa bao giờ biết được cha mẹ đã làm việc chăm chỉ như thế nào. Nghĩ lại thì chúng tôi đã làm không tốt, không nhờ con giúp đỡ, cho con ngủ và chơi trong những ngày nghỉ. Bây giờ thấy con chưa bao giờ chủ động giúp đỡ, tôi không khỏi thấy lo lắng cho tương lai".
Vấn đề nằm ở đây.
Mỗi khi con cái rảnh rỗi trong những ngày nghỉ lễ, 90% phụ huynh sẽ thương con nên không yêu cầu chúng làm gì cả. Những đứa trẻ ăn ngon, ngủ ngon và tận hưởng kỳ nghỉ một cách trọn vẹn, chúng cũng coi đó là điều hiển nhiên.
Chúng ta thường thấy một bức tranh như thế này: Con bắt chéo chân, cầm điện thoại chơi game nhưng bố mẹ bên cạnh bận đến mức không buồn uống nước, gọi con cũng không nhận được phản hồi để được giúp đỡ.
Một giáo viên có kinh nghiệm hơn 20 năm từng chỉ trích: "Ngày nay, khi trẻ em được yêu cầu viết về những việc đã làm để giúp đỡ bố mẹ ở nhà thì rất ít đứa có thể viết được. Ai cũng được chiều chuộng như tiểu hoàng đế hay công chúa nhỏ, làm sao có kinh nghiệm làm việc nhà? Yêu cầu nói về điều các em biết ơn nhất ở cha mẹ cũng tương tự. Nhiều đứa trẻ từ lâu đã quen với việc vươn tay là bố mẹ lấy quần áo, há miệng đòi ăn là được ăn, thậm chí không ít em còn cho rằng giáo viên và bạn học phải chiều chuộng như cha mẹ mình".
Cha mẹ luôn coi trẻ là trọng tâm của cuộc sống và đối xử với trẻ như những hoàng tử, công chúa. Theo thời gian, trẻ cảm thấy mình được đặc ân vượt trội hơn cha mẹ, đồng thời không hề quan tâm đến nhu cầu và cảm xúc của cha mẹ. Dần dần, trẻ sẽ không còn cảm thấy có lỗi với cha mẹ và cảm thấy cần hiếu thảo nữa.
Nếu một đứa trẻ chưa trải qua những khó khăn của cuộc sống, những mệt mỏi của lao động thì sẽ không thể suy nghĩ từ góc độ của người khác chứ đừng nói đến việc trân trọng những gì người khác đã làm cho mình. Việc nhà dù nhỏ đến đâu cũng có thể rèn luyện tính trách nhiệm, sự tự tin và lòng biết ơn của trẻ.
Thực tế, con cái không phải sinh ra đã thờ ơ, bất hiếu với cha mẹ nhưng trong quá trình lớn lên, chúng thiếu sự tham gia lao động và không thể cảm nhận được tình yêu sâu sắc đằng sau sự nỗ lực của cha mẹ.
Chỉ khi con cái đích thân tham gia vào công việc gia đình và trải qua những khó khăn trong công việc của cha mẹ thì chúng mới có thể cảm thông và hiểu được tình yêu thương của đấng sinh thành. Lòng kính trọng và hiếu thảo trong lòng đối với cha mẹ sẽ tự nhiên được đánh thức, trẻ có thể học cách dũng cảm gánh vác gánh nặng và trở thành chỗ dựa của cha mẹ.
Lòng hiếu thảo không bao giờ đến từ sự chiều chuộng.