Phản ứng của Trung Quốc
Theo Hoàn Cầu, bức ảnh đại sứ Trung Quốc ở Kiribati bước qua lưng người dân địa phương trong buổi lễ chào đón truyền thống đã bị nhiều người hiểu nhầm. Các quan chức địa phương đã phản đối những thông tin tiêu cực và nhiều chuyên gia cũng lên tiếng chỉ trích các bình luận làm tổn hại hình ảnh ngoại giao của Trung Quốc.
Được biết, hình ảnh nói trên đã thu hút sự chú ý lớn từ các chính trị gia phương Tây và người dùng Twitter trên thế giới, cho rằng đây là biểu tượng phản ánh tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại các quốc gia Thái Bình Dương. Một số người nói Trung Quốc có ý định "thuộc địa hóa cả thế giới".
Constantine Panayiotou - tùy viên Quốc phòng Mỹ tại quần đảo Thái Bình Dương - và nghị sĩ Australia Dave Sharma cũng là những người cho biết họ rất ngạc nhiên khi thấy bức ảnh cho thấy đại sứ Trung Quốc bước qua lưng khoảng 30 nam thanh niên nằm trên mặt đất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Kiribati Ruateki Tekaiara - người cũng có mặt trong chuyến thăm của đại sứ Trung Quốc Tang Songgen - phủ nhận cả 2 bình luận nói trên.
Theo ông Tekaiara, nghi thức truyền thống này là cách để thể hiện sự tôn trọng mức độ cao đối với một vị khách. "Đây là truyền thống của đảo... không ai có thể cản trở một khi các bô lão đã quyết định," ông nói.
Trong bài đăng ngày 17/8, Đại sứ quán Trung Quốc ở Kiribati cho biết đại sứ Tang đã có chuyến thăm Tabiteuea Bắc, Tabiteuea Nam và Marakei theo lời mời của chính quyền địa phương đảo vào đầu tháng.
Đội ngũ cán bộ ngoại giao Trung Quốc đã "được chào đón nồng nhiệt và nhận được tình cảm của những bô lão, chính quyền địa phương và người dân đảo". Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tới đây với sứ mệnh "giáo dục", qua đó được "chào đón với các nghi lễ truyền thống" và "choáng ngợp bởi nền văn hóa độc đáo cũng như lòng hiếu khách của người dân địa phương".
Người dân địa phương nói gì?
Một người dân địa phương Kiribati tên Jordan cho biết việc cho khách bước qua lưng là hành động thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với một nhà ngoại giao.
"Chúng tôi thường đón các vị khách VIP từ các quốc gia khác theo cách này và đã làm vậy từ rất lâu rồi. Mọi người cũng có thể thấy nghi thức này trong một số đám cưới địa phương khi gia đình chú rể nằm xuống đất và đề nghị cô dâu bước qua lưng. Hành động này thể hiện sự chào đón và lời mời cô dâu trở thành một thành viên mới trong gia đình họ".
Jordan cho rằng người ngoài cuộc không nên áp dụng những giá trị văn hóa của riêng mình đối với văn hóa trên đảo và cô nói mình rất buồn khi người dân đảo bị hiểu lầm là "nạn nhân" trong bức ảnh.
El Zorro, một người dùng Twitter, nói: "Đây là truyền thống địa phương. Nếu đại sứ từ chối thì ông ấy sẽ xúc phạm người bản địa. Tôi không bênh vực Trung Quốc, nhưng tôi biết thực hiện nghi thức là lựa chọn tốt nhất trong hoàn cảnh đó".
Đại sứ Trung Quốc không phải là người duy nhất thực hiện nghi thức truyền thống nói trên. Các bức ảnh khác cho thấy công chúa Tonga cũng được chào đón tương tự trong chuyến thăm đảo trước đây.
Trong khi đó, một số chính trị gia phương Tây lại cho rằng hành động bước qua lưng thể hiện "sự khuất phục" của người dân Kiribati đối với Trung Quốc, đặc biệt sau khi Kiribati nối lại quan hệ ngoại giao đối với Trung Quốc vào ngày 28/9/2019.
Đối với Australia, các quần đảo ở Nam Thái Bình Dương là "sân sau" quan trọng của nước này. Vì vậy, theo Hoàn Cầu, màn chào đón nồng nhiệt đối với đại sứ Trung Quốc không phải là "tin vui" đối với Australia.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: