Ngậm ngùi đón Tết xa quê
Tết là mùa của tình thân, là được về quê để hít hà, cảm nhận mùi ruộng đồng, hương thơm ngày tết, để sum vầy gói bánh tét bánh chưng, là được nghe lại giọng quê trìu mến. Vậy nên, bất cứ ai đi xa cũng muốn được trở về. Tết ấm áp là vậy nhưng không phải ai cũng có thể về quê. Bởi lẽ, nỗi lo cơm áo gạo tiền cùng nhiều chi phí đi lại đắt đỏ khiến nhiều nữ công nhân lựa chọn ở lại TPHCM để đón tết.
Hai con của chị Nguyễn Thị Dần, công nhân Công ty giày Viễn Thịnh (Nhà Bè, TPHCM) theo mẹ đi ăn tiệc tết.
Chị Nguyễn Thị Dần, công nhân Công ty giày Viễn Thịnh (Nhà Bè, TPHCM) cho biết: Vợ chồng chị từ miền Tây lên TPHCM làm công nhân hơn 6 năm nay. Đây là năm đầu tiên gia đình chị không về quê đón tết. Bởi vì, những tháng gần đây công ty chị không có nhiều đơn hàng, các công nhân không được tăng ca và phải về sớm. Có thời điểm chị đi làm theo kiểu 1 tuần làm 1 tuần nghỉ hoặc đi làm chỉ 3-4 ngày/ tuần. Tiền lương vì thế cũng giảm theo.
"Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết nhưng tôi vẫn chưa mua sắm gì. Thấy người ta mua bánh mứt, quần áo cho con cái mà tôi cảm thấy tủi thân lắm. Từ mấy tháng trước toàn về sớm. Cũng may, tháng này công ty cho tăng ca, tôi có thêm 2, 3 triệu, chứ không cũng rầu luôn. Tiền lương thì ít nên tiền thuê trọ, tiền học phí cho hai đứa con không đủ. Tháng nào tôi cũng vay mượn 1 - 2 triệu tiêu, đắp qua đắp lại, có lương thì trả. Bởi vậy, tết năm nay gia đình tôi không về quê để giảm bớt chi phí. Hôm nay, công ty cho tôi đến chương trình "Xuân ấm áp yêu thương" để nhận quà và ăn tiệc, tôi mừng lắm. Vậy là tết này có tiền mua gạo, mắm muối và ít bánh kẹo cho các con", chị Dần tâm sự.
Gian hàng quần áo.
Với chị Nguyễn Thị Kim Thoa (công nhân công ty may Nhà Bè (Nhà Bè, TPHCM) tết năm nay cũng là tết xa quê. Những phần quà nhận được từ chương trình "Xuân ấm áp yêu thương" chị sẽ gửi hết về quê để tặng cho mẹ. Chị Thoa tâm sự: "Quê tôi ở Trà Vinh, vì con tôi còn nhỏ quá, đứa 2 tuổi, đứa 3 tuổi nên không có tiền để về quê. Năm nay mẹ tôi bị bệnh nhưng tôi cũng không về được, nghĩ mà chảy nước mắt. Tôi cũng chưa sắm tết gì cả, đợi ít bữa công ty phát tiền lương và thưởng mới dám đi sắm. Với phần quà nhận được từ các mạnh thường quân, tôi gửi về cho mẹ để mẹ đỡ buồn".
Mang tết đến sớm với nữ công nhân, trẻ mồ côi
Với mong muốn mang đến một cái tết nghĩa tình, giúp chị em công nhân giảm bớt cảm giác nhớ quê, tạo giây phút vui vẻ nhân dịp "tết đến xuân về", ngày 15/1, Ban Công tác phía Nam (Hội LHPN Việt Nam) cùng các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình "Xuân ấm áp yêu thương", trao quà tết cho nữ công nhân không có điều kiện về quê, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em mồ côi tại huyện Nhà Bè, TPHCM.
Tại chương trình, ban tổ chức (BTC) đã trao quà tết cho 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, 77 em được nhận phần quà trị giá 2,5 triệu đồng/em (quà trị giá 2 triệu, tiền lì xì 500 nghìn đồng), 23 em mồ côi có thành tích học giỏi nhận phần quà 4 triệu đồng/em (quà trị giá 2 triệu, tiền mặt 2 triệu); trao tặng 340 phần quà cho nữ công nhân không có điều kiện về quê ăn tết, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng.
Bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và trẻ em, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (thứ 5, bên phải sang) và bà Lê Thị Ngọc Diệu, Phó Tổng giám đốc Công ty May Nhà Bè (thứ 3, bên trái sang) trao quà cho trẻ em mồ côi.
Đặc biệt, BTC chương trình "Xuân ấm áp yêu thương" còn tổ chức nhiều hoạt động vui xuân tổ chức các gian hàng trao yêu thương gồm thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng gia dụng, áo dài, quần áo phục vụ ngày tết; tổ chức tiệc xuân cho tất cả các em thiếu nhi và phụ nữ tham gia chương trình. Tổng kinh phí phối hợp thực hiện chương trình tại TPHCM hơn 800 triệu đồng.
Điểm mới của chương trình là mang đến một bữa tiệc buffet nhẹ cho chị em nữ công nhân và các em mồ côi tại nhà hàng Khải Phương. Bởi lẽ, BTC hiểu rằng các chị em khó khăn ít khi đến ăn tại các nhà hàng. BTC chương trình mong muốn các chị có một bữa tiệc tết ấm áp cạnh nhau, trong không gian ấm cúng. Việc xây dựng các gian hàng đi chợ 0 đồng, giúp các em học được văn hóa xếp hàng, học cách san sẻ và lựa chọn những gì mình yêu thích.
Bà Trần Thị Huyền Thanh, Trưởng Ban Công tác phía Nam (Hội LHPN Việt Nam) cho biết: BTC chương trình mong muốn phần nào chia sẻ những khó khăn với các chị công nhân, để các chị đón một cái tết thật ấm áp, nghĩa tình và yêu thương. Đồng thời, chúng tôi còn mang đến cho các em mồ côi trong chương trình "Mẹ đỡ đầu" những phần quà tết, giúp các con vơi bớt nỗi nhọc nhằn và cùng người thân có tết thêm đủ đầy.
Ngoài các công ty, mạnh thường quân bên ngoài, Ban Công tác phía Nam - Hội LHPN Việt Nam- còn phối hợp với Hội phụ nữ Quân khu 7, Quân đoàn 4 để cùng nhau xây tình người trong cuộc sống, lan tỏa vẻ đẹp của phụ nữ lực lượng vũ trang. Trong mùa dịch, lực lượng này đã không ngại xông pha chống dịch, sau mùa dịch các chị tiếp tục vận động, hỗ trợ chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn. Từ đây, mở rộng tính liên hiệp trong tổ chức hội.
Được biết, chương trình tặng quà tại Nhà Bè, TPHCM là một hoạt động nằm trong chuỗi chương trình "Xuân ấm áp yêu thương" do Ban Công tác phía Nam (Hội LHPN Việt Nam) phối hợp với Hội LHPN tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Hội Phụ nữ Quân khu 7, Quân Đoàn 4 và mạnh thường quân tổ chức. Theo đó, chương trình đã trao tặng quà tết cho 350 trẻ em mồ côi, 750 nữ công nhân và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, TPHCM, với tổng kinh phí vận động xã hội hoá trên 2,5 tỷ đồng.
Một số hình ảnh tại chương trình
Ban tổ chức trao quà cho trẻ em mồ côi.
Ban tổ chức trao quà cho các nữ công nhân và phụ nữ khó khăn.
Nghi thức khai xuân.
Gian hàng 0 đồng dành cho trẻ em mồ côi.
Hai bà cháu cùng ăn tiệc tết từ chương trình.
Bà Trần Thị Huyền Thanh, Trưởng Ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam (bên phải) giúp hai bà cháu đi chợ 0 đồng.
Các em nhận quà tại gian hàng sách.
Nụ cười rạng ngời của nữ công nhân khi được nhận quà.