BRICS đón nhận loạt tin vui để vượt qua G7

Đông Phong |

Tunisia và Saudi Arabia cũng từng ngỏ lời muốn gia nhập khối kinh tế BRICS với triển vọng phát triển vượt qua G7.

Trong dữ liệu được tổng hợp bởi một công ty nghiên cứu vĩ mô có trụ sở tại Vương quốc Anh - Acorn Macro Consulting cho thấy, nhóm các nước BRICS mang trọng lượng kinh tế lớn hơn G7.

Nhóm BRICS, bao gồm năm nền kinh tế đang phát triển lớn trên thế giới (Nga - Trung Quốc - Ấn Độ - Brazil - Nam Phi) đã vượt qua Nhóm Bảy nước (G7) bằng cách chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu dựa trên sức mua tương đương

Theo kết quả này, khối các nước BRICS đóng góp 31,5% GDP của thế giới. Trong khi đó, G7, gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh, được coi là khối các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến nhất hành tinh, cộng lại tới 30,7%.

Khối BRICS được coi là có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. BRICS đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng của thế giới và chiếm khoảng 26% diện tích đất trên thế giới.

Theo những dự đoán kinh tế trước đó, đến năm 2050, nền kinh tế của các quốc gia BRICS được dự báo sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với nền kinh tế của các quốc gia giàu nhất thế giới.

Nhóm này cũng được coi là một trọng tâm thương mại, kinh tế và chính trị toàn cầu, trong bối cảnh sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng sâu rộng.

Ngoài ra, đây cũng là một nhóm mà các thành viên có sức ảnh hưởng lớn đối với Mỹ về mặt kinh tế, chính trị và tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Các nhà phân tích cho rằng khoảng cách giữa hai nhóm dự kiến ​​sẽ tiếp tục gia tăng khi Trung Quốc và Ấn Độ đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến việc gia nhập BRICS.

Mới đây, Tunisia đã bày tỏ việc đang xem xét trở thành thành viên của khối kinh tế này.

Đầu năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết "hơn một chục" quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, bao gồm Algeria, Argentina, Bahrain, Bangladesh, Indonesia, Iran, Ai Cập, Mexico, Nigeria, Pakistan, Sudan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Venezuela.

Trong khi đó, Saudi Arabia, Ai Cập và Bangladesh đã mua cổ phần trong Ngân hàng Phát triển Mới - một tổ chức tài trợ của BRICS.

Năm ngoái, các nước BRICS đã đề xuất tạo ra đồng tiền của riêng của mình để tránh xa đồng dollar Mỹ và đồng euro trong các giao dịch qua lại trong khối. Lý do là bởi Nga - một quốc gia sáng lập BRICS đã gặp khó khăn trong các giao dịch quốc tế bởi các lệnh trừng phạt kinh tế.

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong các giao dịch với các đồng minh BRICS và các đối tác quốc tế khác ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại