Thách thức đối với vị nữ lãnh đạo Anh là làm thế nào để kiềm chế được những lập trường cứng rắn nhất ở trong nước, vốn luôn hoài nghi châu Âu và phản đối mạnh mẽ chiến lược của bà đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu.
Điểm tranh cãi chính trong bản kế hoạch Brexit, tài liệu được đánh giá là ý nghĩa nhất về Brexit kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về quyết định rời khỏi châu Âu của Anh, chính là đề xuất của chính phủ nhằm duy trì một mối quan hệ thương mại chặt chẽ với châu Âu sau khi rời khối.
Bị những người ủng hộ “Brexit cứng” phản đối mạnh mẽ, cho là “bóp méo” mong muốn của người dân Anh trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, bản kế hoạch này đã khiến 2 nhân vật chủ chốt trong chính phủ, cũng như trong tiến trình Brexit đệ đơn xin tự chức, là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và cựu Bộ trưởng Brexit David Davis.
Người kế nhiệm của ông David Davis, tân Bộ trưởng Brexit Dominic Raab trong tuần này sẽ gặp Nhà đàm phán hàng đầu Liên minh châu Âu Michel Barnier, trong nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán về “sự chia tay” giữa hai bên.
Tiến trình này vốn đang lâm vào bế tắc từ nhiều tuần nay, chủ yếu do vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Bản kế hoạch Brexit, hay còn gọi là “Sách trắng Brexit” được công bố hồi giữa tuần trước được xem là nhằm giải quyết khúc mắc này.
Chính phủ Anh không có nhiều thời gian để bảo vệ đề xuất của mình, bởi các nhà đàm phán sẽ phải đạt được thỏa thuận từ nay đến tháng 10 tới để Nghị viện châu Âu, cũng như Quốc hội Anh có thể thông qua trước khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu, dự kiến vào ngày 29/3/2019.
Thách thức đối với chính phủ Anh trước tiên là phải thống nhất được những lập trường khác biệt ở trong nước, trong bối cảnh Quốc hội sẽ xem xét 2 dự thảo luật liên quan tới Brexit, một trong ngày hôm nay về vấn đề thuế quan và hai vào ngày mai về thương mại.
Trong nỗ lực nhằm xoa dịu những ý kiến chỉ trích về kế hoạch Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 15/7 đã có phát biểu với giới truyền thông, trong đó dành nhiều lời khen ngợi cho bản kế hoạch.
Cũng trong ngày 15/7, trên trang mạng xã hội Facebook, bà đã cảnh báo đảng Bảo thủ cầm quyền rằng sẽ không có thỏa thuận Brexit nào nếu các nghị sĩ Anh tiếp tục “phá hỏng” kế hoạch Brexit của bà về việc duy trì các mối quan hệ kinh tế bền vững với EU hậu Brexit.
Nhà lãnh đạo Anh cho rằng đây là thời điểm thực tế và thực dụng cho sự hậu thuẫn kế hoạch để đưa Anh chính thức rời khỏi EU vào tháng 3 năm sau.
Bà Theresa May cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tới điều này trong suốt những ngày qua kể từ khi Sách trắng Brexit được công bố, khẳng định, đây là câu trả lời tốt nhất cho lá phiếu của người dân Anh, ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 6 năm 2016.
“Chúng tôi đã đạt được nhất trí về những đề xuất sẽ trình lên Liên minh châu Âu, hoàn toàn phù hợp với một tiến trình Brexit mà người dân Anh đã bỏ phiếu. Họ đã bỏ phiếu cho chúng tôi để kiểm soát tài chính, luật pháp và biên giới của đất nước.
Chúng tôi sẽ ngừng những khoản đóng góp lớn hàng năm cho Liên minh châu Âu, sẽ đảm bảo rằng Tòa án Công lý châu Âu không còn có thẩm quyền ở Vương quốc Anh nữa và chúng tôi cũng đảm bảo sẽ chấm dứt hoạt động di chuyển tự do, đó là một sự đảm bảo tuyệt đối không thể lay chuyển, sự di chuyển tự do sẽ kết thúc”, bà May nói.
Các chuyên gia cho rằng, bằng việc cảnh báo tiến trình Brexit đang trong nguy hiểm, bà Theresa May đang gửi đi thông điệp thẳng thắn tới phe ủng hộ Brexit "cứng" trong chính phủ rằng nếu tiếp tục gây khó dễ cho bà, họ có thể bỏ phí chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit hồi năm 2016 mà họ đã nỗ lực thúc đẩy.
Tuy nhiên, thách thức đối với chính phủ bảo thủ là rất lớn khi đảng này không có thế đa số tuyệt đối tại Hạ viện và vì thế vẫn cần sự ủng hộ của phe đối lập.
Mặt khác, Người đứng đầu Chính phủ Anh cũng sẽ phải làm thế nào để thuyết phục những người ủng hộ châu Âu, trong đó một số cho rằng, kế hoạch Brexit không đáp ứng được kỳ vọng về việc duy trì một mối quan hệ mạnh mẽ với Liên minh châu Âu.
Theo cựu Thủ tướng Tony Blair, ủng hộ Liên minh châu Âu, về bản chất, kế hoạch này mang ý định tốt.
Tuy nhiên, giải pháp theo kiểu “chân trong chân ngoài” như thế này sẽ không thể hoạt động tốt và sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn khi vừa phải tiếp tục tôn trọng các quy tắc của Liên minh châu Âu trong khi lại không còn tiếng nói trong những chủ đề của khối. Vì thế, việc làm thế nào để bản kế hoạch có thể vượt qua ải Quốc hội là một nhiệm vụ không hề dễ dàng./.