Bột giấy Phương Nam đấu giá 4 lần không ai mua

Trà Phương |

Việc thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra chậm. Có những dự án nhà nước bán không ai mua.

Đây là thực tế được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN ( Bộ Tài chính ) nêu ra tại cuộc họp báo chuyên đề về cổ phần hóa, ngày 28-3.

Theo ông Tiến, năm 2018 chỉ cổ phần hoá được 23 doanh nghiệp trong khi kế hoạch đặt ra là 64 doanh nghiệp. Năm 2019 sẽ chịu thêm áp lực về cổ phần hoá do còn 40 doanh nghiệp chưa hoàn thành từ năm 2018 chuyển sang. Nếu không có biện pháp thì sẽ không thể hoàn thành tiến độ được.

Ông Tiến cho rằng, việc chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là vấn đề đất đai, định giá tài sản, như trường hợp Ngân hàng NN&PTNT (Agribank); khởi động cổ phần hóa một năm rưỡi mà phương án sử dụng đất chưa hoàn thành theo quy định nên chưa cổ phần hoá được.

Ngoài ra một số đơn vị đang vướng mắc liên quan đến quá trình điều tra, thanh tra khiến cho quá trình cổ phần hóa bị chậm lại.

"Quá trình chậm vì còn vướng mắc, có vụ việc phải xử lý như Mobifone phải xong vụ AVG mới cổ phần hoá được, không thể cổ phần hoá khi vụ việc chưa xử lý rốt ráo"- ông Tiến nói.

Về thoái vốn nhà nước, ông Tiến cho rằng vẫn còn rất chậm. Đặc biệt các dự án thua lỗ nên thoái vốn khó thực hiện. “Chẳng hạn như dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đấu giá 3-4 lần không có nhà đầu tư mua vì giá bán lên đến 1.000 tỉ đồng, trong khi dự án có hoạt động đâu.

Hay như Tổng công ty Thép VN, muốn thoái vốn ở dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, có thể bán cả doanh nghiệp nhưng muốn bán phải xử lý các vấn đề tồn tại, trong đó tranh chấp pháp lý giữa chủ đầu tư và nhà thầu chưa giải quyết được”- ông Tiến nêu thực tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại