Tình trạng ấm lên toàn cầu là vấn đề gây lo ngại với toàn thế giới. Mới đây, các nhà khoa học quốc tế lại có thêm một nghiên cứu chấn động về vấn đề này. Đó là hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể đã diễn ra sớm hơn và mức độ cũng nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ. Công cụ giúp họ đưa ra nhận định này chính là loài động vật dưới đại dương - bọt biển.
Một lượng nhỏ bọt biển hàng thế kỷ từ sâu trong vùng biển Caribe đang khiến một số nhà khoa học cho rằng thế giới đã vượt quá mục tiêu đạt được tại Thỏa thuận Paris là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC kể từ thời tiền công nghiệp. Cụ thể là đến năm 2020, nhiệt độ toàn cầu đã tăng hơn 1,7oC. Đến đầu năm 2024, nhiệt độ toàn cầu đang tăng tới 1,8oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Bọt biển có thể giúp đo nhiệt độ đại dương (Ảnh: The New Yorker)
Để có kết luận này, các nhà khoa học đã phân tích sáu loài bọt biển có tuổi thọ cao, một trong số chúng đã hơn 320 năm tuổi khi được thu thập. Bọt biển là loài động vật đơn giản có chức năng lọc nước. Nhiều loài sống rất lâu và khi lớn lên, chúng lưu lại các điều kiện của môi trường xung quanh vào bộ xương của mình như nhiệt độ, độ pH, nồng độ CO2, tương tự như một nhiệt kế dưới đại dương. Vì vậy, chúng trở thành một công cụ đo lường lý tưởng.
Ông Amos Winter - nhà hải dương học cổ đại, Đại học bang Indiana, Mỹ - cho biết: "Bọt biển thực sự là những anh hùng trong phép đo nhiệt độ đại dương. Chúng lưu lại những thông số môi trường một cách chính xác. Bọt biển có độ chính xác cao vì chúng tôi có thể theo dõi lượng canxi và strontium và tích tụ thường xuyên trên bộ xương của sinh vật. Nước ấm hơn sẽ tạo ra nhiều strontium hơn so với canxi, nước mát hơn sẽ dẫn đến tỷ lệ canxi cao hơn so với strontium".
Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu mới của họ sẽ một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng biến đổi khí hậu, giúp thế giới có thêm nhiều hành động tích cực hơn nữa để bảo vệ môi trường sống của mình.