Bóng đá Việt qua mắt cầu thủ ngoại (kỳ 4) Van Bakel: “Tôi nợ Việt Nam rất nhiều, bởi đất nước này cứu rỗi tôi, sau đó cho tôi sự nghiệp và một gia đình”

THANH ĐÌNH - GIANG NGUYỄN |

Nhìn lại cuộc phiêu lưu trên đất Việt, Danny van Bakel chưa bao giờ hối tiếc. Thậm chí cảm thấy việc đặt chân tới mảnh đất xa lạ, cách quê hương gần 10.000 cây số vào năm 2011 là quyết định tốt nhất trong đời.

Từ một cầu thủ nghiệp dư, anh đột nhiên trở thành huyền thoại sân cỏ, với danh tiếng phủ khắp Việt Nam và lan về tận Hà Lan (áo đấu của Van Bakel được lưu tại bảo tàng bóng đá Hà Lan, bên cạnh những huyền thoại khác). Anh cũng có tiền để giúp đỡ ông bà, những người đã chật vật để nuôi anh khôn lớn.

Chưa hết, Việt Nam còn cho anh một mái ấm, với người vợ và 2 nhóc tỳ xinh đẹp. "Thật buồn cười khi hồi mới đến, ý nghĩ đầu tiên của tôi là phải quay trở lại Hà Lan", Van Bakel nói, "Giờ thì nhà tôi bây giờ không còn là Hà Lan nữa, mà là Việt Nam. Myno ở đâu, đó là nhà".

Lần đầu Van Bakel và DJ Myno (tức Nguyễn Thị Ngọc My) gặp nhau trong một quán café ở TP Hồ Chí Minh. Ngay lập tức anh đã bị hút hồn, sau đó nhờ người bạn viết lên mảnh giấy bằng tiếng Việt, xin được làm quen. Về phía Myno, cô đùa rằng đã "suýt ngất" khi nhìn thấy Van Bakel. "Anh chàng nước ngoài đẹp trai này là ai vậy nhỉ? Và sao anh ta cứ nhìn tôi chằm chằm như vậy?", cô tự hỏi.

Bóng đá Việt qua mắt cầu thủ ngoại (kỳ 4) Van Bakel: “Tôi nợ Việt Nam rất nhiều, bởi đất nước này cứu rỗi tôi, sau đó cho tôi sự nghiệp và một gia đình” - Ảnh 1.

Họ đã trao đổi số điện thoại và bắt đầu hẹn hò. Vì Van Bakel phải tập luyện cùng đội bóng trong khi Myno có vô số hợp đồng biểu diễn, họ gặp nhau nhiều nhất mỗi tháng một lần. Cả hai chủ yếu liên lạc qua Skype và WhatsApp. Điều này thật ra lại có lợi, bởi họ có thể sử dụng Google Dịch.

Sau này tiếng Anh của Myno đã tốt hơn, nhưng cô vẫn giao tiếp với Van Bakel bằng thứ ngôn ngữ pha trộn, một chút tiếng Anh, một chút tiếng Hà Lan và một chút tiếng Việt. Nhưng bằng cách nào đó, có lẽ là thứ ngôn ngữ riêng của tình yêu, không bao giờ họ lạc mất nhau. Họ luôn rất hiểu nhau.

Khi mối tình giữa Van Bakel và Myno lớn dần lên, cũng là lúc họ dành được sự thu hút của truyền thông. Hình ảnh của cả hai xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ các tạp chí, trang mạng, trên quảng cáo tới những sự kiện lớn. Tuy nhiên Van Bakel không hào hứng với sự nổi tiếng kiểu này, càng không thích bị gọi là "David và Victoria Beckham của Việt Nam".

Bóng đá Việt qua mắt cầu thủ ngoại (kỳ 4) Van Bakel: “Tôi nợ Việt Nam rất nhiều, bởi đất nước này cứu rỗi tôi, sau đó cho tôi sự nghiệp và một gia đình” - Ảnh 2.

"Điểm giống nhau duy nhất của chúng tôi với họ chỉ là cặp vợ chồng bóng đá và âm nhạc", ngôi sao bóng đá người Hà Lan nói, "Thành thật, tôi cảm thấy khá khó chịu khi trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Sâu bên trong, tôi vẫn là một chàng trai bình thường đến từ Brabant".

Những năm đầu đời ở Brabant với Van Bakel là một chuỗi những sai lầm. Cha mẹ ly dị từ nhỏ và anh mất phương hướng, để rồi cuộc sống trở thành mớ hỗn độn.

"Trong khi những người khác đi làm vào buổi sáng và trở về nhà vào buổi chiều, với những công việc tốt để làm, tôi lại vất vưởng bên lề xã hội, làm những chuyện ngu ngốc và luôn trốn chạy cảnh sát", Van Bakel kể lại.

May thay, Van Bakel đã tìm thấy ở bóng đá một lối thoát. Song chưa đủ. Phải đến khi tới Việt Nam, trở thành một ngôi sao và trải nghiệm cuộc của một thần tượng, Van Bakel mới cảm nhận đầy đủ ý nghĩa cuộc sống.

Bóng đá Việt qua mắt cầu thủ ngoại (kỳ 4) Van Bakel: “Tôi nợ Việt Nam rất nhiều, bởi đất nước này cứu rỗi tôi, sau đó cho tôi sự nghiệp và một gia đình” - Ảnh 3.

"Ban đầu tôi đến Việt Nam để thỏa mãn bản tính phiêu lưu, nhưng rồi Việt Nam đã cứu rỗi tôi", anh nói, "Đất nước này cho tôi sự nghiệp, một mái ấm gia đình cùng những kỷ niệm đẹp. Ở Hà Lan, mọi người chỉ làm việc và thỉnh thoảng mới gặp gỡ vào cuối tuần. Còn nơi đây, mọi người tận hưởng cuộc sống nhiều hơn, gần gũi nhau nhiều hơn. Tôi nợ Việt Nam rất nhiều".

Sau một thập kỷ, Van Bakel đã trở thành người Việt hoàn toàn. Thậm chí có một cái tên Việt trong hộ chiếu. Khi nhập tịch, bố của Myno đã gợi ý cho anh về cái tên Nguyễn Hữu Long, bao gồm họ của ông và cái tên, theo như Van Bakel hiểu, nó mang ý nghĩa một con rồng vĩ đại. Mặc dù vậy, anh không thể phát âm nổi và người phiên dịch cũng không nhớ, vì vậy khi đăng ký, tên anh chỉ là Nguyễn Van Bakel.

Dù sao thì nó cũng không ảnh hưởng gì lắm. Van Bakel vẫn luôn tự coi mình là người Việt, để rồi học hát quốc ca và chờ đợi cơ hội được triệu tập vào ĐTQG. Tiếc là nó không bao giờ đến.

"Nhiều tờ báo cùng các chuyên gia vận động để tôi được lên tuyển, các đồng đội cũng hy vọng đều đó xảy ra, và HLV ĐTQG cũng bày tỏ mong muốn có một hậu vệ mạnh mẽ trong đội hình. Nhưng Liên đoàn bóng đá lại coi những người như tôi là kẻ ngoại lai. Họ muốn gìn giữ bản sắc ở đội tuyển.

Thời điểm Việt Nam đá với Afghanistan (khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2019), tôi đã rất hy vọng mình được gọi. Nhưng không có. Sau lúc ấy, tôi biết rằng sự nghiệp quốc tế đã khép lại. Giá như được khoác áo ĐT Việt Nam, đó là điều tuyệt vời nhất, và tôi sẽ rất tự hào".

Giờ thì Van Bakel đã không còn nghĩ nhiều về chiếc áo đỏ với lá quốc kỳ có ngôi sao vàng trước ngực. Anh cũng đã giải nghệ vào cuối năm ngoái, khép lại 7 năm huy hoàng trên đất Việt. Mối quân tâm lớn nhất của ngôi sao người Hà Lan vào lúc này là gia đình.

Bóng đá Việt qua mắt cầu thủ ngoại (kỳ 4) Van Bakel: “Tôi nợ Việt Nam rất nhiều, bởi đất nước này cứu rỗi tôi, sau đó cho tôi sự nghiệp và một gia đình” - Ảnh 5.

"Lúc còn là cầu thủ, tôi đã rất buồn khi không được ở bên con thật nhiều, chứng kiến con học đi, học nói", anh tâm sự, "Tôi không muốn lặp lại sai lầm của bố mẹ tôi. Thay vào đó, dành những gì tốt nhất cho các con". Và Van Bakel cũng hy vọng ngày nào đó con trai mình sẽ hoàn thành ước nguyện dang dở của cha: khoác áo đội tuyển Việt Nam.

"Thật tuyệt khi lúc ấy, tôi sẽ có nói rằng tất cả nhờ vào việc cha đã đến Việt Nam", anh cười.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại