Bóng đá Việt Nam, xin đừng làm rơi "tõm" U19!

Quốc Bảo |

Ném một viên đá rơi đánh tõm xuống ao thì dễ lắm. Nhưng làm sao để viên đá ấy bay vút lên bầu trời, tỏa sáng thêm thật nhiều lần như lứa U19 Việt Nam thì thật khó vô cùng.

1. Cách đây 2 năm, hãng ASUS đã giới thiệu một ứng dụng được họ tự đánh giá là cực kỳ hữu ích trên những chiếc điện thoại thuộc dòng Zenfone. Tính năng ấy mang một cái tên ngắn gọn nhưng bao hàm nhiều ẩn ý: "What’s Next".

Về cơ bản, "What’s Next" (dịch nôm na theo nghĩa tiếng Anh là "Tiếp theo là cái gì?") có tác dụng như một công cụ nhắc nhở. Giả sử chiều ngày mai có một cuộc họp, tối ngày kia có một cuộc hẹn, rồi sáng ngày kìa lại có một cuộc phỏng vấn, bạn có thể sẽ không nhớ hết.

Để khỏi quên hay trễ giờ, chỉ cần bật "What’s Next" lên và điền các thông tin cần thiết vào. Sau đó cứ ung dung mà ăn chơi nhảy múa, vì "What’s Next" sẽ nhắc bạn.

Sự ra đời của "What’s Next", liên tưởng sâu xa hơn một chút, cũng là lời cảnh báo về thói quen sinh hoạt và làm việc kiểu vô tư, tùy hứng, thiếu nghiêm túc của nhiều người hiện nay.

Có thể dễ dàng nhận thấy, bên cạnh một bộ phận thuộc diện tiến bộ luôn đúng hẹn, làm gì cũng có kế hoạch cụ thể, thì không ít người vẫn duy trì tác phong "cao su hóa giờ giấc", hoặc "mình thích thì mình làm thôi".

Bóng đá Việt Nam, xin đừng làm rơi tõm U19! - Ảnh 1.

Bóng đá Việt Nam lâu rồi chẳng để ý tới "What's next".

Nếu mỗi người đều trăn trở "What’s Next" ngay từ khi có khả năng tự nhận thức cho đến lúc không còn góp mặt trên cõi đời, có lẽ chúng ta không phải đợi đến thế kỷ 21 mới được hưởng niềm vui giành suất dự World Cup, dẫu chỉ là bóng đá U19 và Futsal.

Nhưng trong mọi trường hợp, việc thức tỉnh không bao giờ là muộn. Sau chiến công hiển hách của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn trên đất Bahrain, giờ là lúc cần nghiêm túc đặt ra câu hỏi "What’s Next" không chỉ cho tập thể đội U19 mà phải cho cả nền bóng đá Việt Nam.

2. Nếu chỉ đơn giản là cứ đến World Cup để du lịch, cọ xát, thi xong xuôi tất cả lại về, thì chiến thắng của đội U19 hiện tại sẽ trở thành một kỷ niệm vui nhỏ nho, thay vì là một cú hích mạnh mẽ cho tương lai.

Để có nhiều hơn những lần dự World Cup, từ cấp độ trẻ cho đến tầm ĐTQG, LĐBĐ Việt Nam (VFF) không thể tiếp tục hành động dưới danh nghĩa "Vietnam Football Funny" như nội dung trong một tấm băng rôn mà một nhóm CĐV đã giăng lên trên khán đài ở trận play-off sau mùa giải 2010 giữa N.Sài Gòn và Than Quảng Ninh.

Bóng đá Việt Nam, xin đừng làm rơi tõm U19! - Ảnh 2.

Đừng để bóng đá thành trò cười.

Tất nhiên nói bao giờ cũng dễ hơn làm, đặc biệt ở một nơi mà quá trình "lên chuyên" đã khởi động từ cách đây hơn chục năm song mọi thứ dường như vẫn đứng im tại chỗ, chẳng có cái gì là "Next" theo hướng tích cực cả.

Ngược lại, cứ sau mỗi mùa V-League, lại thấy có đội bóng xóa tên, đổi tên, thậm chí đổi luôn chỗ ở như vụ FC Hà Nội thoắt cái hóa thành FC Sài Gòn.

So với thời "bao cấp", bóng đá Việt Nam bây giờ sinh động hơn nhờ sự hiện diện của cơ man nào là các ngoại binh, bao gồm một ngôi sao từng giành được chức vô địch World Cup trong màu áo ĐT Brazil là Denilson. Buồn thay, lượng khán giả đến sân lại mỗi ngày một vắng.

Quá dễ để tìm ra lý do khiến các CĐV Việt Nam quay lưng với bóng đá chuyên nghiệp để chuyển sang ủng hộ các trận đấu thuộc diện "phủi".

Khán giả chán V-League bởi họ đã quá nhiều lần đoán trước được "What’s Next" khi các đội bóng dàn xếp kết quả một cách hết sức lộ liễu. Tương tự thực phẩm, bóng đá "bẩn" sẽ không có chỗ trong lòng khán giả.

Bóng đá Việt Nam, xin đừng làm rơi tõm U19! - Ảnh 3.

V-League đến nay vẫn không tìm ra lối thoát.

3. Tại các cửa hàng bán smartphone, một câu hỏi luôn được người tiêu dùng nêu ra là tuổi thọ của pin. Tại giải U19 châu Á đang diễn ra, các chàng trai của chúng ta sở hữu một nguồn năng lượng thật đáng nể.

"Các học trò của tôi đã rất cố gắng, tiếc là họ đều không đủ thể lực để chiến đấu với U19 Việt Nam cho đến những phút cuối cùng", HLV Abdulaziz Abdo bên phía Bahrain không giấu được vẻ sửng sốt trước nền tảng thể lực thuộc hàng Ngoại hạng Anh của dàn cầu thủ thấp nhỏ hơn do HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo.

Trong thể thao, yếu tố được đòi hỏi đầu tiên là thể lực. Các thế hệ cầu thủ Việt Nam trước đây đã không thể hóa rồng chủ yếu cũng là do "pin yếu". Tuy nhiên, nếu chỉ có sức thôi là không đủ.

Bóng đá Việt Nam, xin đừng làm rơi tõm U19! - Ảnh 4.

Giống 1 chiếc điện thoại ngoài pin "trâu" còn cần đa nhiệm, cầu thủ Việt Nam bên cạnh việc nâng cao thể lực cũng phải được bồi dưỡng kĩ chiến thuật.

Năm 1977, quá ấn tượng trước những bước chạy như gió cuốn của các cầu thủ châu Phi, "Vua bóng đá Pele" khẳng định sẽ có một đội bóng đến từ lục địa đen đăng quang tại World Cup trước khi thế kỷ 20 khép lại.

Pele đã sai, vì dù có sức khỏe vô đối, những đại diện của châu Phi lại tỏ ra hạn chế hơn các đồng nghiệp châu Âu và Nam Mỹ về tư duy chiến thuật, ý thức kỷ luật, tâm lý thi đấu cũng như kỹ thuật cá nhân.

U19 Việt Nam đã chứng minh rằng họ không kém bất kỳ đối thủ nào ở độ bền và khả năng đeo bám. Nhưng các chàng trai của chúng ta chưa đủ trình độ chuyên môn để chơi một thứ bóng đá áp đặt theo cách của một đội bóng lớn.

Nên nhớ là không một làng cầu nào có được thành công lâu dài nếu chỉ biết áp dụng mỗi chiến thuật "đánh du kích".

Khi chọn smartphone, tất cả đều hỏi về pin. Song cuối cùng, yếu tố có sức ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định của người mua vẫn là sự đa năng.

"What’s Next" cho đội U19 và bóng đá Việt Nam? Thiết nghĩ, chúng ta đã có câu trả lời từ rất lâu rồi...

U19 châu Á: Việt Nam 1-0 Bahrain

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại