Bóng đá Việt Nam tại SEA Games: "Hổ lai sư tử" xin đừng thành... "quái thai"

AQ |

Tại sao mỗi tấm HCV SEA Games bé tẹo mà một làng cầu hùng hậu và khao khát bậc nhất ĐNÁ lại cố mãi mà vẫn không giành nổi?

1. Có nhiều cách giải thích cho những thất bại triền miên của bóng đá Việt Nam tại SEA Games, nhưng tổng kết lại thì mọi thứ đều liên quan đến bản năng sinh tồn của 2 loài động vật vốn được thừa nhận là mạnh nhất trên cạn.

Hổ hay sư tử, loài nào mới xứng danh chúa tể muôn loài? Câu hỏi trên từng là nguồn cảm hứng bất tận cho những tranh luận, nghiên cứu và thử nghiệm của con người.

Xét về kích thước cơ thể, sư tử lớn hơn hổ. Chưa kể, sư tử còn có cái bờm vừa làm tăng vẻ uy nghi, vừa làm tấm áo giáp giúp hạn chế tác động của những đòn tấn công vào vùng cổ. Nhưng xin đừng để yếu tố ngoại hình ảnh hưởng tới phán xét.

Những cuộc tử chiến đẫm máu trong tự nhiên và cả những trận đấu nhằm mục đích giải trí, cá cược trong đấu trường La Mã cổ đại đã đưa ra một thống kê hết sức rõ ràng: hổ thắng sư tử nhiều còn hơn... Thái Lan hạ Việt Nam trong môn bóng đá.

Bóng đá Việt Nam tại SEA Games: Hổ lai sư tử xin đừng thành... quái thai - Ảnh 1.

Hổ thường thắng trong các trận chiến với sư tử.

Hổ nhỏ hơn, tuy nhiên chúng lại vượt trội sư tử ở tốc độ di chuyển, sự dẻo dai, lực cắn, chiều dài của răng. Quan trọng nhất, trong khi sư tử quen với lối tác chiến bầy đàn, hổ lại có xu hướng đi săn đơn lẻ. Nhờ kinh nghiệm "solo" dày dạn, hổ sẽ dễ dàng biến sư tử thành mèo trong cuộc đấu tay đôi.

Theo những câu chuyện được truyền lại, một con hổ của vị quân vương vùng Awadh từng hạ gục liên tiếp 30 con sư tử. Thậm chí có nhiều trận, nó chỉ cần vẻn vẹn một phát cắn để kết liễu đối phương. Thành tích ấn tượng ngang Arsenal của mùa giải bất bại 2003/04.

2. Trong lịch sử tham dự SEA Games, bóng đá Việt Nam có vẻ giống cả hổ lẫn sư tử. Tuy nhiên, chúng ta lại chọn cách "lai tạo" rất bi kịch: giống hổ ở kích thước khiêm tốn và tính tập thể kém, giống sư tử ở thói thụ động, chậm chạp và sự thiếu bền bỉ. Bởi vậy, bóng đá Việt Nam mãi chưa thể trở thành chúa sơn lâm trong một khu rừng thuộc diện nhỏ hẹp bậc nhất hành tinh.

Năm nay, trong khi các đấu thủ đáng sợ như Indonesia, Malaysia, Singapore hay Thái Lan bỗng dưng lộ vẻ sa sút, Việt Nam lại sở hữu một dàn cầu thủ thi đấu ăn ý, uyển chuyển và đầy khát vọng. Dù hàm răng vẫn chưa thực sự bén nhọn trước khung thành đối diện, đội quân dưới quyền Hữu Thắng vẫn tạo ra những trận thắng đậm nhất tại SEA Games 29.

Bóng đá Việt Nam tại SEA Games: Hổ lai sư tử xin đừng thành... quái thai - Ảnh 2.

Công Phượng và đồng đội đang thi đấu thăng hoa (Ảnh: D.A).

Sau khi dễ dàng xử lý các đối thủ nhỏ bé gồm Timor Leste, Campuchia và Philippines, bầy sư tử đến từ dải đất hình chữ S chuẩn bị bước vào trận đấu một mất một còn với con hổ hung dữ Indonesia. Tiếng gào rú của quá khứ ủng hộ Indonesia, hiện tại lại đứng về phía Công Phượng và các chiến hữu.

U22 Việt Nam có quyền tự tin, nhưng chừng nào hồi còi mãn cuộc chưa vang lên, vẻ uy nghi của chúng ta cũng chỉ có ích cho việc chào cờ, chụp ảnh. Còn giữa chiến địa khói bụi mịt mù, chỉ có kẻ LỲ hơn, LANH hơn, LIỀU hơn là giữ được mạng sống.

Bóng đá Việt Nam xưa nay cũng có 3 chữ L, nhưng toàn là những chữ L chết chóc. Đó là lần LỠ vàng ngay giữa Mỹ Đình của lứa Văn Quyến hồi SEA Games 22, LỖI bán độ của nhóm Quốc Vượng tại SEA Games 23 và sai LẦM bắt bóng của Tấn Trường ở chung kết SEA Games 25.

SEA Games 29, sẽ là LÊN đỉnh như lời bầu Đức hay lại LẠC bước trước U22 Indonesia?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại