Nhìn từ khán đài
Là người lăn lộn nhiều năm với V-League, anh Thanh Tùng tâm sự: "Đúng như Thể Thao & Văn Hóa đề cập, hiếm có quốc gia Đông Nam Á nào được Chính phủ quan tâm đến bóng đá thế. Nhưng hội nghị này có quá ít ý kiến phản biện và hầu như không có đề xuất gì đúng tầm quốc gia".
Bên cạnh đó, điều hơi khó hiểu khi đây là chiến lược phát triển mang tính quốc gia, có khá nhiều vấn đề nằm ngoài tầm của Bộ VH-TT&DL và VFF như bóng đá phong trào, bóng đá học đường hay kinh phí triển khai nhưng không thấy sự hiện diện của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Bộ Tài chính. Rõ ràng, nâng tầm bóng đá Việt Nam không phải chỉ là việc làm của ngành thể thao, VFF và các CLB, mà là của rất nhiều bộ, ban, ngành liên quan...
Quan trọng hơn, bản báo cáo với 11 trang và vai trò chủ trì của Bộ VH-TT&DL trong khâu tổ chức thực hiện chiến lược, cũng như hội nghị quá mờ nhạt. Báo cáo dài nhưng còn quá lan man, không bám vào các tiêu đề ra trong chiến lược đối chiếu với kết quả thực hiện.
Mạnh dạn chỉ ra cái gì đã làm được, cái gì chưa, nguyên nhân vì sao, ai chịu trách nhiệm và sẽ khắc phục thế nào... Các chỉ tiêu có nguy cơ không đạt thì có cần điều chỉnh không, và điều chỉnh như thế nào. Sau năm 2020, giai đoạn 2 thì việc hoạch định phát triển bóng đá Việt Nam tới năm 2030 sẽ phải làm gì.
Trong chiến lược chia ra làm 12 đề án, thực hiện trong hai giai đoạn 2012-2016 và 2016-2020, rồi tầm nhìn đến 2030. Đúng ra thì tại sơ kết phải kiểm điểm từng đầu việc, ai làm và làm như thế nào, đúng sai ra sao... 13 năm nữa thì cần làm gì?
Bất cập trong sân cỏ lâu nay và cả trong chính hội nghị sơ kết vẫn còn nhiều và không dễ tháo gỡ ngay. Nhưng điều khán giả hâm mộ cả nước đều hài lòng vì thấy sự quan tâm của Chính phủ, bộ ban ngành đối với bóng đá, đó là cơ sở quan trong để môn thể thao Vua này phát triển.
Đến ngôi nhà bóng đá
Thông điệp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi đến hội nghị rất rõ ràng: "Tôi nhấn mạnh, các ĐTQG như bộ mặt của bóng đá nước nhà và chúng ta phải thực sự đầu tư, phát triển để chúng ta có các đội tuyển mạnh". Muốn làm được điều đó từ 5 ủy viên Thường trực VFF, Giám đốc kỹ thuật, Hội đồng HLV quốc gia, Phòng các ĐTQG phải thường xuyên ngồi lại với nhau để thống nhất tiêu chí cơ bản cho đội tuyển quốc.
Bằng các nghiên cứu khoa học, chúng ta phải tìm ra được lối đá phù hợp với thể trạng, đặc điểm tâm, sinh lý của cầu thủ rồi mới tính chuyện mời HLV trưởng. Có vậy, mời HLV nào cầm quân chúng ta cũng có lối đá thống nhất, dần dần nâng cao chất lượng đội tuyển. Hiện nay, chúng ta có mời Giám đốc kỹ thuật, HLV ngoại nhưng đang "đẽo cày giữa đường" thì rất khó tạo sự ổn định về lối chơi cho cầu thủ và đội tuyển.
Anh Thanh Tùng cho rằng: "Để có đội tuyển lọt vào thứ tự 60-80 bảng xếp hạng FIFA như Phó Thủ tướng mong muốn thì cần làm rất nhiều việc, từ đào tạo bóng đá trẻ, bóng đá phong trào, nâng cao chất lượng V-League... Nhưng VFF không nên ngồi chờ, phần việc gì trong tầm tay thì phải chủ động ngay"..
Khán giả vui tính này không quên đề nghị Thể thao & Văn Hóa nếu có thể, hãy mở một chuyên mục để bạn đọc yêu thích của báo cùng góp ý xây dựng bóng đá Việt Nam phát triển.