Barcelona mua Philippe Coutinho với giá 145 triệu bảng, trong khi đó năm xưa, Man Utd mua Eric Cantona từ Leeds với chỉ… 1,2 triệu bảng, mua Edwin van der Sar từ Fulham với giá 2 triệu bảng, mua Ruud van Nistelrooy cũng chỉ mất 18 triệu bảng.
Chắc chắn khi đọc tới đây nhiều người sẽ cảm thấy so sánh thế này là khập khiễng. Thứ nhất là 2 thời điểm khác nhau hoàn toàn. Thứ hai là Coutinho được Barca mua khi đã là ngôi sao hàng đầu thế giới, còn Cantona vào thời điểm về Man Utd gần như không ai biết tới. Chuyện Coutinho có giá gấp 120 lần Cantona là đương nhiên.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa một nền bóng đá bình thường và điên loạn, dễ dãi lại nằm chính trong sự so sánh này. Có lẽ ít người biết rằng, vào thời điểm Man Utd quyết định mua Cantona, họ đang khủng hoảng rất nghiêm trọng. Man Utd vào thời điểm đó được hình dung như một "đống rác". Quỷ đỏ trải qua 26 năm liên tiếp không có chức vô địch quốc gia nào. Ở mùa đầu tiên giải hạng Nhất Anh đổi tên thành Premier League, đội bóng của Sir Alex Ferguson thi đấu thảm hại, chỉ thắng 2/13 trận đầu mùa, ghi vỏn vẹn 9 bàn.
M.U rất cần người . Nhưng thay vì mua những tên tuổi hàng đầu Premier League vào thời điểm đó như Alan Shearer, Lee Chapman, Sir Alex lại đề nghị chủ tịch Mark Edwards mua Cantona.
Và rồi vào ngày 26/11, Cantona chính thức gia nhập Man Utd. Không nhiều người đặt niềm tin vào King Eric. Trợ lý của Ferguson lúc đó, Brian Kidd cho rằng Cantona không thể tỏa sáng ở sân Old Trafford Trafford. Trả lời phỏng vấn báo giới, danh thủ Gary Pallister cũng không đặt niềm tin vào Cantona.
Nhưng như tất cả chúng ta đều đã biết, Cantona không chỉ rực sáng một cách đơn thuần, anh còn trở thành huyền thoại bất tử của sân Old Trafford.
Đó là dấu hiệu của sự phát triển và nét đẹp thật sự trong bóng đá: Những HLV, bằng nhãn quan đặc biệt của mình có thể nhìn thấy những viên ngọc ẩn trong đá, tìm cách đưa nó ra, mài giũa trở thành ngọc quý. Cantona vĩ đại 1 thì người nhận ra tiềm năng của anh vĩ đại gấp trăm.
Bóng đá bây giờ quá dễ dãi. Vai trò của các tuyển trạch viên ở đâu, nhãn quan của các HLV ở đâu khi họ chỉ biết gõ của các ông lớn và hỏi mua ngôi sao sáng nhất của đội bóng đó. Kẻ mua khát người, chấp nhận chi bất kỳ mức giá nào, tạo cơ hội để bên bán tha hồ ép giá. Và thế là những mức giá từ 100 - 200 triệu bảng cứ nổ liên tiếp.
Cũng giống như đi chọn mua một chiếc máy ảnh: Người hiểu biết thì chọn thân máy và lens đúng với nhu cầu của mình. Kẻ trọc phú kém cỏi thì cứ đồ đắt nhất là mua. Tương tự trường hợp của Barca: Mua Coutinho thì ai mà chả nghĩ ra được.
Chính những đội bóng quá giàu có và điên loạn như Barca, Real, PSG, Man City đang tạo ra sự bất công trong bóng đá. Năm xưa, với 300 triệu bảng, một CLB có thể mua được nguyên dàn sao đủ để thống trị một giải đấu. Bây giờ, giá cầu thủ leo thang quá khủng khiếp, khiến cho 300 triệu bảng chỉ đủ để Jose Mourinho mua đúng… 7 cầu thủ trong 2 năm.
Những gã trọc phú lắm tiền nhiều của cũng đồng thời khiến cho một nét đẹp của bóng đá bị triệt tiêu. Cứ khó khăn là gõ cửa nhà băng của các ông chủ để mua siêu sao. Đội hình chỉ cần khuyết một vị trí, kể cả là dự bị, là lập tức HLV đề nghị được tăng cường lực lượng.
Thử hỏi, nếu cứ thiếu là mua thì đào tạo trẻ để làm gì? Barca năm xưa xây dựng cả một cơ đồ từ lò La Masia huyền thoại, bây giờ mất chất đến nỗi liên tục phải chi ra những số tiền khổng lồ để mua cầu thủ hay sao?
Nếu những gã nhà giàu thích ai là mua cầu thủ đó thì những đội bóng nghèo biết bao giờ mới ngóc đầu nổi dậy? Và giả sử một CLB nghèo nào đó bỗng dưng lại đào tạo được siêu sao, họ cũng sẽ tìm mọi cách bán đi với giá cao thay vì sử dụng niềm tự hào của chính mình. Bỗng dưng nghĩ: Nếu bóng đá ngày xưa đã như vậy, liệu chúng ta có những Ryan Giggs, Paul Scholes, Paolo Maldini, Frank Lampard, Steven Gerrard… hay không?