Bong bóng Bitcoin có thể vỡ khi giá trị vượt quá 100.000 USD?

Trần Ngọc |

Các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá Bitcoin không phải là "bong bóng" cũng không phải là "mỏ vàng", mà nó là tài sản hữu hạn trên không gian số.

Thời gian gần đây, không một ngày nào trôi qua mà không có tin tức gì về blockchain và tiền mã hóa xuất hiện.

Blockchain và các loại tiền mã hóa đã thực sự tạo nên một "cơn sốt" toàn cầu mới nói chung, và ở Việt Nam cũng đang là một chủ đề nóng thu hút sự quan tâm lớn của công chúng, đặc biệt là giới tài chính, công nghệ, nhà quản lý và nghiên cứu.

Liên tục đổ xô các kỷ lục

Theo ông Lê Huy Hòa - nhà sáng lập cộng đồng Bitcoin+ Việt Nam, sức mạnh lớn nhất của Bitcoin nằm ở 2 yếu tố: Thứ nhất là sự tường minh rõ ràng vì nó là công nghệ mã nguồn mở; thứ hai là nó độc lập với sự kiểm soát của các thể chế vì nó dựa trên công nghệ “peer-to-peer” (đồng đẳng).

Đầu năm 2017 một đồng Bitcoin chỉ có giá 1.000 USD. Thế nhưng chỉ đến giữa tháng 12/2017, đồng tiền mã hóa này đã leo lên đỉnh cao nhất mọi thời đại, đạt gần 20.000 USD. Sau khi đi từ kỷ lục tăng, Bitcoin lại nhanh chóng chứng kiến kỷ lục giảm giá, xuống chỉ còn 9.000 USD vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Ở thời điểm hiện tại, giá Bitcoin đang ở dưới ngưỡng 11.000 USD trên mỗi đơn vị, giá trị vốn hóa thị trường là 184 tỷ USD, theo Coinmarketcap.

Nói về kỷ lục tăng và giảm giá của Bitcoin, ông Lê Huy Hòa cho rằng, với một tài sản như Bitcoin thì sự thay đổi về giá và tốc độ thay đổi là không ngạc nhiên. Đây là ảnh hưởng của tâm lý đám đông cũng như một số “tay chơi” lớn, các tài phiệt lớn.

Chia sẻ về cộng đồng Bitcoin hiện thời tại Việt Nam, ông Hòa cho biết, chủ yếu các thành viên liên lạc với nhau online (trực tuyến), từ vài ngàn đến vài chục ngàn người, chia làm 3 nhóm chính: chuyên gia về công nghệ thông tin, chuyên gia về công nghệ tài chính (fintech), những người coi Bitcoin là một kênh đầu tư, sử dụng nó để giao dịch.

Về đầu tư tiền mã hóa, theo ông Lê Huy Hòa, mỗi người phải tìm hiểu và tự chịu trách nhiệm về khoản tiền của mình. Số tiền đầu tư ít hay nhiều tùy vào từng thời điểm cụ thể. Nên tìm hiểu thật kỹ, thậm chí thuê chuyên gia tư vấn trước khi quyết định đầu tư.

Bong bóng Bitcoin có thể vỡ khi giá trị vượt quá 100.000 USD? - Ảnh 1.

Các chuyên gia và nhà đầu tư trao đổi quan điểm về công nghệ blockchain và tiền điện tử tại buổi tọa đàm sáng 30/1/2018

Trong dài hạn, Bitcoin sẽ có giá trị thực sự vì nó có sức mạnh nội sinh. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, không ai có thể dự báo được sự biến động về giá của đồng tiền này.

Cảnh giác với "fake coin"

Để đánh giá về đồng tiền mã hõa, theo ông Lê Huy Hòa, phải căn cứ vào mã nguồn mở. Nếu không có mã nguồn thì đó là một loại coin không an toàn, hay còn gọi là “fake coin”.

Còn trong trường hợp có mã nguồn mở, cũng vẫn cần chuyên gia tư vấn, đánh giá xem liệu mã nguồn đó có dựa trên nguyên lý hoạt động theo phương thức đồng đẳng (peer-to-peer).

Theo nhận định của nhà sáng lập cộng đồng Bitcoin+ Việt Nam, dù bản chất không xấu, nhưng các hoạt động đa cấp rất hay bị biến tướng và thích dùng các đồng tiền mã hóa như Bitcoin để lừa đảo vì nó có đủ sự khó hiểu và thú vị để kêu gọi các kênh đầu tư.

Ổng Hòa tin tưởng: Bitcoin có khi xuống chỉ còn một xu, cũng có khi lên tới 1 triệu USD nhưng công nghệ blockchain thì không bao giờ "chết". Nên tiếp cận blockchain là một công cụ mới, một phương thức để khởi nghiệp, phát triển sự nghiệp của mình.

Với góc nhìn của một nhà đầu tư tiền số, TS. Lê Việt Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, bong bóng Bitcoin có thể vỡ khi giá trị vượt quá 100.000 USD trên mỗi đơn vị.

TS. Thủy nêu rõ: Chính phủ Việt Nam chỉ cấm dùng Bitcoin làm phương tiện thanh toán, còn việc sở hữu tài sản thì không cấm. Hiện cũng chưa có nước nào cấm công dân sở hữu tài sản ảo.

Chính phủ các nước và nhà lập pháp nghi ngại về tính ẩn danh và dễ dàng dịch chuyển qua biên giới của đồng tiền mã hóa, do đó, đồng tiền này dễ bị lợi dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, theo ông Thủy, nhà nước có thể xây dựng khung pháp lý để quản lý được các loại tiền mã hóa.

Tiền mã hóa/tiền điện tử được xây dựng trên nền tảng blockchain (chuỗi khối dữ liệu) - công nghệ cho phép sao lưu dữ liệu dưới dạng sổ cái phân tán công khai, được đánh giá là có thể tạo nên những thay đổi lớn, tích cực trong hoạt động tài chính trong những thập kỷ tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại