Sáng 17/4, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu 3 huyện nói trên tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật đối với các trưởng ban QLRPH Lâm Hà (huyện Lâm Hà), đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương), Phi Liêng và Sêrêpốk (huyện Đam Rông).
Nguyên nhân, các Trưởng ban này đã thiếu trách nhiệm, để xảy ra nhiều vụ vi phạm lâm luật phức tạp trên lâm phần được giao quản lý trong năm 2020 và quý 1/2021.
Bạch tùng với đường kính cực lớn bị "xẻ thịt"
Ban QLRPH Sêrêpốk đã để xảy ra 56 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 17 vụ nổi cộm, 47 vụ không xác định được đối tượng vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại hơn 17ha và khối lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 530m3.
Ban QLRPH Lâm Hà để xảy ra 51 vụ vi phạm, trong đó có 5 vụ nổi cộm, 26 vụ không xác định được đối tượng vi phạm; diện tích rừng bị mất hơn 5,3ha và lâm sản bị thiệt hại hơn 214m3.
Cây rừng nguyên sinh bị lâm tặc đốn hạ |
Ban QLRPH đầu nguồn Đa Nhim để xảy ra 49 vụ vi phạm, trong đó có 5 vụ nổi cộm, 5 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại và bị tác động hơn 6,8ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại gần 393m3 và số lâm sản bị tác động trên 415m3.
Rừng phòng hộ ở TK 143 bị cưa hạ ngổn ngang |
Ban QLRPH Phi Liêng để xảy ra 49 vụ vi phạm, trong đó có 2 vụ vi phạm nổi cộm, 45 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm; diện tích rừng bị mất gần 4 ha, khối lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 387m3.
Như Tiền phong đã đưa tin, đầu tháng 3 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản nêu rõ, nếu các địa phương, đơn vị chủ rừng để xảy ra các vụ phá rừng phức tạp nổi cộm hoặc cháy rừng nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND các địa phương, thủ trưởng các đơn vị chủ rừng liên quan phải chịu trách nhiệm; không được bình xét thi đua năm 2021. UBND tỉnh sẽ xem xét đình chỉ công tác, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra vi phạm.
Rừng ven đường Đà Lạt-Nha Trang bị đầu độc chết đứng |