Bộ Xây dựng vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến với đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ chỉ đạo các địa phương chưa có cơ sở hỏa táng nhanh chóng đầu tư xây dựng để chủ động xử lý người chết do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó để đồng thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khi đất đai dành cho việc làm nghĩa địa chôn cất người chết ngày càng hạn chế, trong khi nhu cầu hỏa táng khi chết của người dân ngày một nhiều và có xu hướng trở thành phổ biến.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết ngày 26-11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng với mục tiêu từng bước đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành phổ biến của người dân Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường.
Đến nay sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thực hiện hỏa táng và quy hoạch, đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng trên địa bàn.
Hiện đã có khoảng 30 địa phương xây dựng các cơ sở hỏa táng với khoảng 140 lò được lắp đặt (không bao gồm các lò hỏa táng trong các chùa Khmer tại các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng tại các địa phương đã từng bước tăng lên, trong đó riêng thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh là 2 địa phương có tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng cao nhất (trên 70%).
Bộ Xây dựng cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng để đánh giá việc thực hiện tại các địa phương, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như các cơ chế, chính sách pháp luật mới được ban hành.