Bộ Xây dựng nhấn mạnh, phân khúc căn hộ chung cư bình dân (có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2) gần như không có giao dịch và sản phẩm để bán. Căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 25 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2) vẫn chiếm tỷ trọng cao về giao dịch và nguồn cung trên thị trường. Vị trí còn lại là căn hộ chung cư cao cấp, siêu cao cấp (có mức giá trên 50 triệu đồng/m2).
Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ, mặt bằng giá dự án mới tăng khoảng 4% - 6% theo quý và 22% - 25% theo năm.
Trong khi đó, giá bán biệt thự, nhà liền kề cũng tăng trưởng mạnh. Phần lớn dự án mở bán mới trong quý này có vị trí thuận lợi, nằm ở các khu vực đang được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, do đó mức giá chào bán sơ cấp tương đối cao. Giá bán trung bình thứ cấp của nhà ở gắn liền với đất đạt khoảng 160 triệu đồng/m2 (tăng 3% theo quý và gần 7% theo năm).
Tại TP.HCM, giá sơ cấp trung bình của phân khúc biệt thự, nhà ở liền kề gần như ổn định và có một số khu vực giá giảm mạnh ở phân khúc cao cấp, diện tích rộng với mức giảm khoảng 14% theo quý và 28% theo năm. Theo đó, các sản phẩm giá dưới 10 tỷ đồng có giao dịch khá tốt.
Giá thứ cấp của một số dự án tại TP.HCM có biến động giảm khoảng 3 - 4%.
Đấu giá đất làm tăng giá bất động sản
Phân tích nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng cao trong quý III, Bộ Xây dựng cho biết do chịu tác động bởi chi phí liên quan đến đất đai tăng khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới, đồng thời do sản phẩm nhà ở giá bình dân không đủ nguồn cung cho nhu cầu lớn của thị trường.
Những yếu tố này đã kéo giá bán căn hộ chung cư tăng cao, đặc biệt có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35 - 40% tùy từng vị trí so với quý trước.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng nhắc đến hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất tại một số địa phương. Kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đã tác động làm tăng mặt bằng giá đất, giá bất động sản, giá nhà ở của khu vực lân cận và của địa phương. Đồng thời làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, giảm nguồn cung cho thị trường, tác động tiêu cực đến thị trường.
Bên cạnh đó, giá tăng còn do hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi.
" Đây là các cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thổi giá cao so với giá trị thực tế, thao túng thị trường, gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản ", Bộ Xây dựng nêu rõ.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, quý III có 16 dự án nhà ở thương mại hoàn thành với quy mô khoảng 3.314 căn, số lượng dự án bằng 177,7% so với quý II/2024 và bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đến nay ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm 4 Ngân hàng Tiên Phong (TPbank), VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến nay có tổng dư nợ là 1.783 tỷ đồng.