Toàn cảnh xưởng sản xuất sơ mướp "made in Việt Nam".
Anh Tạ Quý Tôn, ở thôn Kim Tháp, xã Nguyệt Đức (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết, có một thời gian học tập và làm việc tại Australia, nhận thấy ở đây có khá nhiều khách sạn lớn sử dụng các sản phẩm thân thiện được làm từ xơ mướp dùng đồ gia dụng trong gia đình như xà bông tắm, đai chà lưng…
Tuy nhiên nhưng sản phẩm này mang tính manh mún không ổn định, trong khi đó ở Việt Nam trồng mướp rất nhiều, xơ mướp chủ yếu dùng để rửa chén, bát hoặc bỏ đi. Vì vậy anh nảy sinh ý tưởng làm những sản phẩm từ xơ mướp để xuất khẩu.
“Năm 2019, tôi thuê lại 2ha đất dùng để trồng mướp lấy xơ, nhưng gặp khá nhiều khó khăn trắc trở, do không am hiểu đặc tính của quả mướp lên nhiều loại chỉ lấy được thịt không có xơ hoặc nhiều loại cho trái nhỏ chất lượng xơ kém không mềm, mượt. Không bỏ cuộc, tôi lên thư viện nông nghiệp đọc và đã tìm được giống mướp trái to, thẳng, khi già xơ dày và mịn rất phù hợp”- anh Tôn nói.
Anh Tạ Quý Tôn đang kiểm tra những quả mướp đã đạt chất lượng để lấy xơ.
Cũng theo anh Tôn cho biết, để tạo ra các sản phẩm đồ gia dụng từ xơ mướp, anh đã phải xây dựng xưởng gia công với nhiều loại máy móc hiện đại như máy may, ép, cắt… mỗi sản phẩm làm từ xơ mướp đều được anh trau chuốt tỉ mỉ, do đó mỗi sản phẩm đều có tính độc đáo riêng.
Bà Nguyễn Thị Á (mẹ anh Tôn) chia sẻ, để làm một sản phẩm hoàn thiện đến tay người tiêu dùng, xơ mướp phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên khâu chọn giống cho ra trái mướp phải to, dài đều, không bị sâu thì làm ra sản phẩm mới được và được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, mướp khi trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên khách hàng có thể yên tâm sử dụng.
“Muốn tạo ra những sản phẩm có mẫu mã đẹp, phải chọn loại mướp già, khô, sau đó loại bỏ lớp vỏ, tách hạt và chỉ giữ lại xơ mướp rồi đem phơi khô. Tùy vào từng sản phẩm mà xơ mướp được cán dày hay mỏng. Để có độ kết dính cao gia đình sử dụng phương pháp may bằng chỉ, sợi đay và vải thay vì sử dụng keo dán nên vẫn bảo đảm thẩm mỹ và sự mộc mạc, thân thiện với môi trường”- bà Á cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Á (áo trắng) đang ép xơ mướp sau khi đã được phơi khô rồi chuyển qua công đoạn xử lý thành phẩm tiếp theo.
Gieo hạt 3 năm đến ngày hái quả Hiện tại, gia đình anh Tôn chủ yếu cung cấp các sản phẩm làm từ xơ mướp tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ở châu Âu, với 15 dòng sản phẩm chủ yếu là bộ sản phẩm cho nhà bếp, nhà tắm và đồ dùng cá nhân như lót giày, giày dép đi trong nhà với giá bán trung bình từ 4-9 USD/sản phẩm.
Anh Tôn cho hay, anh luôn xác định chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu nên năm đầu tiên khởi nghiệp các sản phẩm sản xuất ra chủ yếu là để chào hàng. Chính tính độc đáo của sản phẩm xơ mướp tự nhiên đã chinh phục được các thị trường khó tính. Đến nay, trung bình mỗi tháng xưởng xuất khẩu từ 3-5 đơn hàng sang thị trường nước ngoài với trị giá từ 30.000-40.000 USD/tháng.
Công đoạn phơi vỏ xơ mướp đòi hỏi người thợ phải trau truốt tỉ mỉ.
Đáp ứng nhu cầu của đối tác, ngoài diện tích 2ha trồng mướp lấy xơ tại xã Nguyệt Đức, anh còn mở rộng vùng trồng nguyên liệu tại huyện Lương Tài, Gia Bình và một số tỉnh thành phía Bắc như Nam Định, Hải Dương với tổng diện tích hơn 30 ha… Dự kiến, năm 2025, anh Tôn sẽ xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 300 ha để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Cũng theo anh Tôn, ở nước ta hiện nay cũng đã có nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm từ xơ mướp. Tuy nhiên, quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do vậy, anh hướng tới xây dựng một quy trình hoàn chỉnh từ việc xây dựng vùng nguyên liệu, sơ chế đến tìm đầu ra cho sản phẩm.
Những sản phẩm được làm từ xơ mướp.
Thời gian tới, anh Tôn và gia đình tiếp tục phát triển danh mục trên 20 đầu sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Đồng thời chào bán một số sản phẩm làm từ xơ mướp cho người tiêu dùng trong nước, lan tỏa sâu hơn thông điệp sản xuất xanh đến với người tiêu dùng.