Đôi mắt hút người nhìn của em bé vùng cao nhận về gần 100.000 lượt yêu thích
"Vô tình nhìn vào ánh mắt ấy!" - Đó là lời chia sẻ ngắn gọn của anh Phạm Xuân Quý (SN 1988, quê Đồng Nai), chủ nhân loạt ảnh chụp em bé vùng cao.
Chỉ với vài lời chia sẻ mộc mạc, nhưng bài đăng những bức ảnh chụp em bé vùng cao với ánh mắt và gương mặt hút người nhìn mà anh Phạm Xuân Quý tình cờ bắt gặp ở Dốc Thẩm Mã (Hà Giang) đã nhận về gần 100.000 lượt yêu thích.
Theo chủ nhân những bức ảnh gây "náo loạn" mạng xã hội kể, cô bé anh chụp ảnh có tên là Dín, năm nay đang học lớp 9. Thường ngày, cô bé đi học về là lên nương phụ giúp gia đình cắt cỏ, trồng ngô. Chỉ những ngày cuối tuần được nghỉ học, bé mới ra dốc Thẩm Mã đứng bán hoa, chụp ảnh với khách du lịch.
"Tình cờ gặp bé cùng các em khác đứng bán hoa, chụp ảnh với du khách, mình bị thu hút bởi khuôn mặt xinh xắn, trong veo cùng đôi mắt có chút lạnh lùng, bí ẩn của em. Thế là nhanh tay lấy máy ảnh ra bấm.
Các bé ở đây đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, đội mũ rực rỡ sắc màu. Trên lưng địu một giỏ hoa tươi, cảnh tượng đẹp rực cả một góc trời." - Anh Phạm Xuân Quý kể.
Vẻ đẹp trong veo pha chút bí ẩn của cô bé ngay lập tức gây chú ý và được dân tình không tiếc lời ngợi khen:
"Những bông hoa của núi rừng";
"Khi xem ảnh này, trong đầu mình chỉ có duy nhất một ý nghĩ: “Em bé đẹp quá. Người chụp cũng thật giỏi bắt khoảnh khắc".";
"Bé này xinh theo kiểu trầm buồn, có chút bí ẩn, thật là hút mắt người nhìn"!
Trước loạt ảnh chụp bé Dín "gây bão" mạng, anh Phạm Xuân Quý đã được biết đến là một nhiếp ảnh chuyên "săn" nụ cười các em bé vùng cao có tiếng.
Dù không được học qua lớp nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nhưng bằng niềm đam mê và tình yêu với mảnh đất, con người vùng cao, 9x quê Đồng Nai luôn cố gắng để ghi lại những khoảnh khắc và biểu cảm tự nhiên nhất của các em.
Với các bé không biết nói tiếng Kinh, anh Quý cố gắng học một số câu giao tiếp cơ bản cơ bản như "Xin chào", "Cháu tên gì", "Cười lên nhé"... bằng tiếng H'Mông để giao tiếp với các bé khi chụp ảnh.
Anh Phạm Xuân Quý có rất nhiều kỷ niệm vui trong hành trình "săn" nụ cười trẻ em cùng cao
Anh Phạm Xuân Quý chia sẻ về kỷ niệm trong những chuyến đi "săn" nụ cười trẻ em vùng cao:
"Các bạn ấy có nụ cười ngây thơ, biểu cảm ngại ngùng rất đáng yêu. Mình cũng không quan trọng chụp được những gì, chỉ cần được trò chuyện, tặng những món quà nhỏ, đem đến nụ cười và niềm vui là đủ.
Có lần mình quay lại chụp ảnh ở Thẩm Mã sau hơn 1 tháng, tụi nhỏ đứng trên dốc, một bé phát hiện ra mình liền gọi cả nhóm chạy ùa đến rất đông, nhìn xuống rồi vẫy tay reo hò inh ỏi.
Đến nơi, mình xuống xe lại gần từng bé một để đập tay. Có em thì cười, em thì xấu hổ che mặt. Có bạn còn tò mò hỏi sao lâu quá không thấy chú tới chơi, chú đi lấy vợ rồi hay sao lâu quá không thấy chú...
Các bà cụ, các anh chị bán hàng ở đó cũng tươi cười hỏi thăm. Thật sự cảm giác rất vui trong lòng vì mọi người nhớ tới mình. Rồi có nhiều lần mình còn được tụi nhỏ mời ăn xúc xích, uống bò húc...
Các bé rất tình cảm, do ngại nói tiếng Kinh nhiều với du khách thôi chứ nếu tiếp xúc nhiều chắc mọi người cũng sẽ cảm nhận được tụi nhỏ đáng yêu và dễ thương biết nhường nào..."
Những hình ảnh về mảnh đất, con người vùng núi Tây Bắc thường xuyên được 8X Nam Bộ chia sẻ lên mạng xã hội và một số triển lãm ảnh.
Với khuôn hình chân thực, sống động, được xử lý tốt về bố cục, ánh sáng và chớp được những khoảnh khắc đầy cảm xúc của các em bé, cụ già vùng cao, chàng trai 8X đã tạo được dấu ấn và tên tuổi cho mình.
Anh mong rằng những bức ảnh của mình sẽ giúp quảng bá vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên vùng cao đến với du khách, góp phần lan tỏa cảnh đẹp đất nước, giúp phát triển du lịch để cuộc sống bà con ở đây tốt hơn.
Bỏ việc lên núi "săn" ảnh đẹp
"Nghề chọn người" - Câu nói này quả thật đúng với 8x quê Đồng Nai. Bởi cơ duyên khiến Phạm Xuân Quý gắn bó với mảnh đất Hà Giang bắt đầu đơn giản là bởi anh trót mê đắm vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi đây trong một chuyến du lịch vào năm 2019.
Đến năm 2020, sau hơn một năm dịch Covid-19 ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống, Xuân Quý chợt nhận ra bản thân cần nhiều hơn những trải nghiệm sống, thay vì bị bó buộc với nỗi lo "cơm áo gạo tiền" .
Anh quyết định xin nghỉ vị trí quản lý một rạp chiếu phim ở Biên Hòa (Đồng Nai), mang theo máy ảnh, máy in mini bắt đầu hành trình xuyên Việt.
Trong hành trình ấy, anh đã dành 8 ngày ở lại Hà Giang, trong đó 6 ngày là ở dốc Thẩm Mã, làm bạn với các cụ già, những đứa trẻ.
Suốt 7 hành trình, anh đã chụp lại hơn 5.000 bức ảnh và in hơn 500 tấm chân dung để tặng lại người dân.
"Lần đầu tiên đặt chân tới Hà Giang, sở thích chụp ảnh đã bắt đầu nhen nhóm trong tim mình. Và chính cảnh đẹp của thiên nhiên, con người vùng cao đã tạo động lực rất lớn để mình theo đuổi đam mê này tới bây giờ.
Mình đi, khám phá và chụp ảnh Tây Bắc, Đông Bắc nhiều, bởi khi đến đây, mình có cảm giác thân thuộc, yên bình.
Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người hiền hoà chất phác, cuộc sống rất đỗi bình yên, nụ cười ngây thơ trong sáng của trẻ con, ánh mắt sâu thẳm của các cụ già như đang chất chứa biết bao câu chuyện...
Tất cả đã hấp dẫn và níu chân mình ở lại sống và làm việc tại Hà Giang luôn. Đến hiện tại, mình không thể đếm được đã có bao nhiêu chuyến đi qua các vùng cao Đông Bắc, Tây Bắc".