Bộ VH-TT&DL vừa có báo cáo về các vấn đề cử tri và Đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, các nhóm vấn đề mà Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện phải trả lời trước Quốc hội bao gồm: “Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch cũng là các vấn đề bộ trưởng báo cáo”.
Về vấn đề quản lý cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, báo cáo nêu rõ hiện nay công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được thực hiện theo Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016.
Bộ VH-TT&DL thừa nhận, công tác này còn những bất cập như đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế.
Tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.
Cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào (thực hiện cấp phép) mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước và tính chất hoạt động nghệ thuật thay đổi từng ngày, từng giờ.
Về quản lý, cấp phép tổ chức lễ hội; kinh doanh karaoke, vũ trường và hoạt động liên quan đến quảng cáo, báo cáo của Bộ khẳng định hoạt động quảng cáo, kinh doanh karaoke, vũ trường trên toàn quốc đã đi vào nền nếp...
Báo cáo của Bộ VH-TT&DL cũng chỉ ra thực trạng xuống cấp đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử hiện nay.
Cụ thể, một số giá trị đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang có biểu hiện mai một. Các giá trị đạo đức mới chưa được quan tâm đúng mức. Hệ giá trị chuẩn về đạo đức, con người thời kỳ mới chưa được hình thành. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội và trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng.
Đạo đức nghề nghiệp sa sút cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh. Lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng lạc, vô cảm có chiều hướng lan rộng.
Thói dối trá, đạo đức giả, gian lận trong học hành, bằng cấp; các thủ đoạn chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy lợi, chạy tội, làm ăn phi pháp, bất chính còn phổ biến.
Bạo lực gia đình, nhất là bạo lực gia đình với người cao tuổi, bạo lực gia đình với trẻ em vẫn xảy ra với nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Tình trạng ly hôn ở vợ chồng trẻ tăng; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thiếu gắn kết, bền chặt.
Để khắc phục thực trạng trên, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm: Kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa. Cạnh đó, siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.
Theo kế hoạch, tuần làm việc thứ 4 của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ có trọng tâm là nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường. Khác với các lần trước, thời gian chất vấn đã được tăng lên thành ba ngày, từ 13 đến 15- 6.
Bốn Bộ trưởng gồm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VH-TT&DL, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư sẽ trả lời các câu hỏi của đại biểu. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ là người cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn.