Bộ Tư pháp nói về việc kê biên tài sản sau 2 bản án của ông Đinh La Thăng

Hoàng Đan - Hoàng Cư |

Theo ông Sơn, với 2 vụ án xét xử ông Đinh La Thăng đến nay bản án vẫn chưa có hiệu lực nên khi nào bản án có hiệu lực, được tòa án chuyển sang thì mới có căn cứ thi hành.

Chiều 6/4, tại cuộc họp báo quý I-2018 của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Văn Sơn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự) trả lời một số nội dung liên quan đến 2 bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã tuyên đối với ông Đinh La Thăng trong đó về trách nhiệm dân sự, buộc ông Thăng phải bồi thường 630 tỉ đồng trong vụ án PVN góp vốn vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thẩm quyền thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự có hiệu lực pháp luật.

Bộ Tư pháp nói về việc kê biên tài sản sau 2 bản án của ông Đinh La Thăng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Sơn (người đứng)

"Đối với vụ án xét xử ông Đinh La Thăng hiện nay bản án chưa có hiệu lực pháp luật nên chúng ta đặt vấn đề này ra có tính chất bàn về nguyên tắc. Chỉ khi nào bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự thì chúng tôi mới căn cứ vào đó để thi hành", ông Sơn nêu rõ.

Về việc dù bị tuyên buộc bồi thường với số tiền nêu trên song tài liệu được công bố của 2 vụ án không thể hiện ông Đinh La Thăng bị kê biên tài sản, ông Sơn cho rằng, đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng, nếu không có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa, ngăn chặn tài sản, tài khoản... thì rất khó khăn thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước.

"Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn tài sản, tài khoản là thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi cơ quan thi hành án thực hiện nhiệm vụ của mình.

Hỏi tại sao không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì rất khó để trả lời. Nhưng chúng tôi mong muốn, các cơ quan tiến hành tố tụng khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ rất thuận lợi cho cơ quan thi hành án thực hiện việc thu hồi tài sản cho Nhà nước", ông Sơn nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cũng chỉ rõ, việc khó khăn trong thu hồi tài sản chính là ở vấn đề quản lý tài sản, bất động sản, tài khoản lớn chưa đáp ứng yêu cầu.

"Ở nhiều quốc gia trên thế giới thì có bao nhiêu tiền ở tài khoản, bao nhiêu tài sản là cơ quan Nhà nước thẩm quyền đều biết được.

Chúng tôi mong muốn chúng ta cũng sẽ có hệ thống thể chế như thế và đề nghị hệ thống pháp luật tiếp cận như vậy.

Thứ nữa, cơ quan thi hành án dân sự cần làm việc tích cực, ráo riết, trách nhiệm thì sẽ nâng cao, pháp huy được hiệu lực, hiệu quả, đưa bản án có hiệu lực pháp luật, thu hồi tài sản cho Nhà nước", ông Sơn nhấn mạnh. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại