Theo GS Carlyle Thayer, tám thách thức đó là: vắc xin phòng COVID-19 và khôi phục kinh tế; biến đổi khí hậu; hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; cơ sở hạ tầng; không gian mạng; chống tin giả, thông tin sai lệch; chống khủng bố; công nghệ trọng yếu và mới nổi.
Sự tương tác sâu rộng hơn giữa QUAD và ASEAN sẽ đem lại những tác động tích cực cho cả hai phía.
Thứ nhất, tận dụng được một mạng lưới ngoại giao với sự góp mặt của các nước lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ…
Thứ hai, hình thành một diễn đàn trao đổi chiến lược và hợp tác thực chất, tích cực.
Thứ ba, gia tăng tương tác, can dự của các đối tác đối thoại trong cấu trúc do ASEAN dẫn dắt.
Thứ tư, tham gia với ASEAN và các thể chế do ASEAN dẫn dắt mang lại trọng tâm Đông Nam Á, hơn là trọng tâm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
ASEAN+4 trong cấu trúc khu vực?
“ANZUS (Hiệp ước An ninh Úc, New Zealand, Mỹ) đã xuất hiện năm 1951, FPDA (Thỏa thuận Phòng thủ 5 cường quốc, gồm Úc, New Zealand, Anh, Malaysia, Singapore) năm 1971, TSD (Đối thoại An ninh ba bên, gồm Úc, Mỹ, Nhật Bản) năm 2002, QUAD năm 2017 và AUKUS (quan hệ đối tác an ninh ba bên, gồm Úc, Mỹ, Anh) năm 2021. Liệu sẽ xuất hiện ASEAN+4 trong cấu trúc khu vực”, GS Thayer đặt vấn đề.
Trong tuyên bố chung của lãnh đạo các nước thành viên QUAD trong hội nghị thượng đỉnh QUAD đầu tiên (diễn ra giữa tháng 3 dưới hình thức trực tuyến), QUAD nhấn mạnh một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, một trật tự dựa trên các luật lệ, nguyên tắc dân chủ, không bị ràng buộc bởi sự cưỡng ép, coi trọng luật pháp quốc tế trong lĩnh vực biển, an ninh biển. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh, QUAD “ủng hộ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN”, GS Thayer nói. Thượng đỉnh QUAD lần thứ nhất đã dẫn tới sự hình thành của ba nhóm công tác về chuyên gia vắc xin, khí hậu và công nghệ trọng yếu và mới nổi.
Thượng đỉnh QUAD lần thứ hai (diễn ra hồi tháng 9 ở Mỹ dưới hình thức trực tiếp), các nhà lãnh đạo đã nhất trí về 5 vấn đề lớn, gồm phòng chống đại dịch COVID-19, phát triển cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, quan tâm công nghệ mới nổi, không gian vũ trụ và không gian mạng, và cấp học bổng QUAD thế hệ mới, tập trung vào STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).
GS Carlyle Thayer (giữa) ngày 19/11 phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13. Ảnh chụp màn hình: Thái An.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Thayer, QUAD hiện vẫn tập trung vào các thách thức an ninh phi truyền thống, chưa đạt tiến bộ đáng kể về an ninh hàng hải. Các thành viên của QUAD tuân thủ các hợp tác song phương, khu vực và đa phương khác mà họ tham gia, nhưng quan hệ song phương và ba bên hiện nổi bật hơn cả. “Đó là quan hệ song phương Mỹ-Nhật, Úc-Mỹ, Úc-Nhật và quan hệ ba bên Úc-Nhật-Mỹ”, ông nói.
Cũng tại phiên thảo luận sáng 19/11, TS Rizal Sukama, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở Jakarta, cựu Đại sứ Indonesia tại Mỹ, cho rằng, hợp tác giữa ASEAN và QUAD là cần thiết, nhất là trong việc xử lý các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, đảm bảo sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, các thành viên ASEAN “không nên suy nghĩ, hành động riêng lẻ, mà nên giải quyết vấn đề với tư cách một khối thống nhất”, ông Sukama nói.
Ông Sujan Chinoy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc phòng và phân tích Manohar Parrikar (đơn vị tư vấn hàng đầu ở Ấn Độ về quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế), cũng cho rằng, các thành viên ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, gia tăng hợp tác cả nội khối và ngoại khối trong bối cảnh có sự cạnh tranh rất nóng ở khu vực Biển Đông.
Ngoài ra, trước việc Trung Quốc có nhiều hoạt động quân sự gây quan ngại về căng thẳng leo thang trong khu vực, phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông, các nước cần tiếp tục tuân thủ và kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, và xây dựng bộ quy tắc ứng xử hiệu lực, hiệu quả, mang tính ràng buộc pháp lý, ông Chinoy nói.
Máy bay chiến đấu Mỹ trên tàu sân bay. Nguồn: Japan-Forward.
Với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 diễn ra trong 2 ngày 18-19/11 tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 180 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, gồm gần 60 diễn giả đến từ 30 quốc gia…