Sáng nay, ngày 22/11/2017, sự kiện Internet Day 2017 và lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam với chủ đề “Chuyển động số Internet – Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” đã được Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức tại Hà Nội.
Buổi lễ có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cùng nhiều đại biểu là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, 20 năm trước, ngày 19/11/1997 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành TT&TT Việt Nam - đây là ngày đã diễn ra Lễ ấn nút mở cửa Internet, đưa Việt Nam chính thức kết nối với Internet - xa lộ thông tin, kho kiến thức khổng lồ của nhân loại.
Trong 20 năm phát triển vượt bậc của Internet, hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới đã cùng nhau xây dựng để biến Internet trở thành một nền tảng gắn kết mọi người ở khắp các quốc gia, để cùng nhau chia sẻ thông tin, kiến thức trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
“Tại Việt Nam hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống.
Từ một người nông dân, một người công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet. Chính Internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của chúng ta hiện nay”, Bộ trưởng cho hay.
Theo Bộ trưởng, để có được sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam như hiện nay, cần ghi nhận sự phát triển vượt bậc của hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, Internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.
Bộ trưởng thông tin, theo số liệu thống kê từ đầu năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong Top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.
“So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam thuộc Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực về số người sử dụng điện thoại di động. Đây là tiền đề thuận lợi để chúng ta thúc đẩy, tăng cường việc phát triển hệ sinh thái Internet tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, cùng với thành tựu của các doanh nghiệp hạ tầng Internet như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam, Việt Nam cũng đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VTC, VNG, VC Corp (Ảnh: Thái Anh) |
Hiện nay, Chính phủ, Bộ TT&TT đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của CNTT, công nghiệp nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên Internet, song hành cùng sự phát triển của các lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, trò chơi điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử.
Vì vậy, cùng với thành tựu của các doanh nghiệp hạ tầng Internet như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam, chúng ta cũng đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VTC, VNG, VC Corp.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, các doanh nghiệp kể trên không chỉ có được chỗ đứng vững vàng trong nước mà đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Nhiều sản phẩm ứng dụng trên Internet do doanh nghiệp, cá nhân trong nước phát triển đã tạo được tiếng vang ở tầm quốc tế như trò chơi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông hay ứng dụng học trực tuyến Monkey Junior - sản phẩm đạt giải Nhất Cuộc thi Sáng kiến Toàn cầu 2016.
Tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền Internet đang phát triển rất mạnh mẽ, nhiều công nghệ còn rất mới trên thế giới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, mã QR… cũng đã được các doanh nghiệp trong nước phát triển thành sản phẩm hoàn thiện, có khả năng thương mại hóa cao.