Bộ trưởng Trung Quốc "nắn gân" Mỹ đanh thép không ngờ, hy vọng kết thúc thương chiến tiêu tan

Hải Võ |

Trung Quốc phải phát huy "tinh thần đấu tranh" để bảo vệ lợi ích của quốc gia và người dân trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Chung Sơn nêu.

Phát biểu cứng rắn của Bộ trưởng Trung Quốc

Bộ trưởng Chung Sơn là quan chức cấp cao mới nhất tham gia vào vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc và dự cuộc điện đàm với lãnh đạo nhóm đàm phán Mỹ hồi tuần trước cùng Phó thủ tướng Lưu Hạc. Ông nhấn mạnh phía Mỹ chịu trách nhiệm hoàn toàn về cọ xát thương mại giữa hai nước và những ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu.

Thông điệp của ông Chung được đưa ra giữa bối cảnh hai nước chuẩn bị cho các cuộc đối thoại tiếp theo. Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin cùng Đại diện thương mại Robert Lighthizer có thể công du Bắc Kinh nếu các cuộc trao đổi qua điện thoại trong tuần này thu được kết quả khả quan.

Trong bài phỏng vấn mới nhất với báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo hôm 15/7, thảo luận về chiến dịch giáo dục chuyên đề "Không quên tâm nguyện ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh" do chủ tịch Tập Cận Bình phát động trên phạm vi toàn quốc, ông Chung Sơn đề cập kế hoạch "6+1" của Bộ thương mại Trung Quốc.

"'1' là làm tốt công tác ứng phó với cọ xát thương mại Mỹ-Trung," ông Chung nói. "Mỹ đã phát động cọ xát thương mại với nước ta, vi phạm nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) - điển hình của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ. Chúng ta cần phải phát huy tinh thần đấu tranh, kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia và nhân dân, kiên quyết bảo vệ thể chế thương mại đa phương."

6 công tác khác mà ông Chung đề cập trong kế hoạch là 6 sáng kiến ưu tiên của Bộ thương mại. Trong đó, Bắc Kinh sẽ gia tăng nỗ lực thúc đẩy chương trình "Vành đai, Con đường", tăng trưởng thị trường tiêu dùng nội địa, tổ chức thành công Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc vào tháng 11, cũng như tăng tốc phát triển các khu thương mại tự do ở Đại lục.

Cuộc điện đàm với ông Lighthizer và Mnuchin hôm 14/7 là lần đầu tiên Bộ trưởng Chung Sơn tham gia đối thoại trực tiếp với các nhà đàm phán Mỹ. Sự hiện diện của ông Chung trong thành phần đoàn Trung Quốc được cho là quyết định của ban lãnh đạo nước này về việc đưa thêm các chuyên gia thương mại vào cuộc, bởi đàm phán đang trở nên khó khăn hơn.

Ông Chung Sơn từng giữ chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang, trong giai đoạn ông Tập Cận Bình làm Bí thư tỉnh ủy tại đây. Công tác tại Bộ thương mại Trung Quốc từ năm 2008 và trở thành Bộ trưởng năm 2017, ông Chung chưa trực tiếp tham gia vào nhóm đàm phán của Trung Quốc - do ông Lưu Hạc đứng đầu - kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra hơn 1 năm trước.

Kết thúc thương chiến chỉ là ảo tưởng?

Nhà phân tích Chương Lập Phàm bình luận, ý kiến của ông Chung trên Nhân dân Nhật báo cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại dài hơi với Mỹ.

"Phát biểu [của Chung Sơn] chủ yếu nhằm vào dư luận trong nước, nhưng rõ ràng là nó cho thấy Trung Quốc không hề vội vàng đạt thỏa thuận và sẵn sàng cho cuộc đối thoại dai dẳng," ông nói.

"Dường như Trung Quốc muốn chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử [tổng thông Mỹ] năm 2020."

Scott Kennedy, nhà kinh tế học tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, nói sự can thiệp rộng hơn của Bộ trưởng Chung Sơn vào đàm phán Mỹ-Trung là một trong số tín hiệu Bắc Kinh không còn hứng thú dàn xếp những mối quan tâm của Mỹ qua đàm phán.

"Sự tham gia rõ ràng hơn của Chung Sơn trong đàm phán là một trong nhiều dấu hiệu rằng Trung Quốc đã mất hứng thú với một thỏa thuận lớn giải quyết các mối quan tâm của Mỹ cùng các nước khác liên quan đến chính sách công nghiệp và sự thiếu lợi ích tương hỗ trên thị trường của Trung Quốc," ông nói.

"Những người kỳ vọng một thỏa thuận giúp ổn định quan hệ [Mỹ-Trung] nên từ bỏ ảo tưởng. Điều đó sẽ không tới trong tương lai gần."

Cuộc điện đàm theo dự kiến vào tuần này sẽ là lần đối thoại thứ hai giữa các nhà đàm phán cấp cao hai nước kể từ khi tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý "đình chiến thương mại" tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Osaka hôm 29/6.

Phía Mỹ mong muốn Trung Quốc sớm công bố chương trình mua nông sản Mỹ - theo lời cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 15/7, cho thấy hành động này là bước đi cần thiết mà Mỹ yêu cầu với Bắc Kinh để xúc tiến đàm phán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại