Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đã kiểm điểm trách nhiệm vụ Formosa

Hoàng Đan |

"Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Ban cán sự Đảng đã kiểm điểm, báo cáo, đang chờ cấp trên xem xét có kết luận, tất cả đang làm theo trình tự", ông Trần Hồng Hà nói.

Bên hành lang Quốc hội vào sáng 3/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có những trao đổi về việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Thưa Bộ trưởng, vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về vấn đề Formosa nhưng chưa có ai chịu trách nhiệm, ông có thể thông tin thêm về việc này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Toàn bộ công việc xử lý sự cố Đảng, Nhà nước đã làm hết sức khẩn trương, triệt để, đồng bộ mọi vấn đề, trong đó có việc xem xét lại trách nhiệm, kiểm điểm lại trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đòi hỏi khách quan theo đúng quy định.

Đảng có Ủy ban kiểm tra, Nhà nước có thanh tra, cơ quan các cấp có Ban cán sự, làm rất kỹ, có sự thống nhất, công bố cho toàn dân, không né tránh gì cả.

Riêng phần Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cơ quan chức năng đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý thế nào liên quan đến sự cố Formosa này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trực tiếp kiểm tra lại dấu hiệu.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Ban cán sự Đảng đã kiểm điểm, báo cáo, đang chờ cấp trên xem xét có kết luận, tất cả đang làm theo trình tự.

Khi phải đánh giá về tổ chức đánh giá con người phải làm đúng quy định liên quan. Như Thủ tướng nói tất cả sẽ làm, làm tới đâu công bố tới đó.

Được biết, có một số lãnh đạo liên quan đến vấn đề Formosa đã về hưu, vậy, việc xử lý sẽ được tiến hành như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đối với những người đã nghỉ hưu có cấp ủy ở đó xử lý, có Ủy ban kiểm tra trung ương theo thẩm quyền sẽ xử lý. Tất cả mọi việc đều làm theo quy định về công tác kiểm tra của Đảng, về quy định xử lý kỷ luật cán bộ.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng có nói từ trước tới nay chưa chú trọng làm công tác bảo vệ môi trường, trong tái cơ cấu tới đây phải đặt nặng việc này lên. Vậy trong lập dự án cũng phải đặt nặng, thời gian tới thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việc này sẽ có mấy vấn đề, quan trọng nhất là mô hình phát triển của chúng ta.

Trong báo cáo đã nhận định, trước đây nền kinh tế ưu tiên cho phát triển, huy động đầu tư nước ngoài, chủ yếu thâm dụng vào tài nguyên, chi phí môi trường do luật lệ chặt chẽ, chưa hiệu quả, nhiều quy chuẩn và tiêu chuẩn môi trường thấp hơn so với các nước.

Đây chính là một điều kiện thu hút nguồn lực, kèm theo đó là trình tự nền kinh tế, trình độ công nghệ quyết định đến môi trường.

Thế nên phải rà soát lại tất cả các cơ sở sản xuất trừ trước tới nay, trên cơ sở đó có lộ trình giải pháp để các doanh nghiệp chấp hành, tuân thủ.

Thứ hai, trong thời gian tới phải rà soát lại danh mục các nhà đầu tư, ngành công nghiệp để lựa chọn những ngành có tiềm năng ô nhiễm cao đưa vào danh mục và sẽ có tập trung quản lý, kiểm soát riêng.

Đặc biệt, phải nâng quy chuẩn tiêu chuẩn môi trường của mình nên ngang bằng và kèm theo đó nó sẽ huy động nguồn lực nước ngoài, dòng vốn công nghệ hiện đại đáp ứng được vấn đề về môi trường ,tiết kiệm năng lượng và phải thành một ngành công nghiệp về xử lý môi trường, ngành dịch vụ về đầu tư xử lý môi trường.

Muốn vậy phải tạo ra giá cả trong xử lý ngang bằng, chứ không giải quyết một phần nhỏ trong xử lý đó. Hình thành ngành công nghệ môi trường tương xứng, tạo công ăn việc làm, tăng hiệu quả kinh tế xã hội và đóng góp cho nền kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại