Bộ trưởng Tiến: Ngành Y đang đơn độc trong "cuộc chiến" chống bạo lực

H.Thu |

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ ngành Y đang cảm thấy đơn độc trong việc chống bạo lực.

Ngày 24/4, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến thẩm tra về các báo cáo của Bộ Y tế gồm: báo cáo bổ sung đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2017 và tình hình thực hiện nhiệm vụ 3 tháng đầu năm 2018; báo cáo về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân.

Bên cạnh đó còn có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng, người dân chưa tin tưởng nên thường vượt lên tuyến trên. Hầu hết các cơ sở y tế mới chỉ chủ yếu tập trung vào chữa bệnh mà chưa có đủ điều kiện thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.

Đặc biệt, thái độ giao tiếp, ứng xử của một bộ phận cán bộ chưa tốt.

Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề cập đến vấn đề nóng bỏng thời gian qua, đó là tình trạng an ninh trật tự, an toàn tại một số bệnh viện chưa được đảm bảo.

Điển hình trong quý 1 năm 2018 tiếp tục xảy ra nhiều vụ hành hung, tấn công thầy thuốc khi làm nhiệm vụ tại bệnh viện sản nhi Yên Bái, bệnh viện đa khoa Bắc Kạn, bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội...

Cho ý kiến về thực trạng này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, có 2 "ông thầy" là thầy thuốc và thầy giáo nhưng lại đang có sự "coi thường" với 2 ông thầy này, thể hiện qua việc người nhà bệnh nhân hành hung đánh bác sỹ, hay bắt nhà giáo quỳ gối xin lỗi.

Theo ông Lợi, qua đi giám sát tại 7 tỉnh, các địa phương đều rất bức xúc về vấn đề này. Do đó, cần phải có những giải pháp khắc phục.

"An ninh trong bệnh viện cần có tiếng nói làm sao để thay đổi nhận thức, nếu không rất gay"- ông Lợi nói.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đặt vấn đề: "Có khép được tội tấn công bác sỹ, người thi hành công vụ hay không? Bởi không thể chỉ xử lý hành chính về tội gây rối mất trật tự xã hội". Từ đó, bà đề nghị, cần có lực lượng pháp chế để bảo vệ bác sỹ.

ĐB Hoàng Đức Thắng (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) nhìn nhận, an ninh an toàn ở các cơ sở y tế thời gian qua dù nỗ lực nhưng có sự cô đơn, làm cho qua chuyện, đối phó.

Theo ông Thắng, phải làm nóng và cả xã hội phải vào cuộc xem xét, bởi ngành công an không thể đủ người để tăng cường 1-2 chiến sĩ vào đảm bảo an ninh cho bệnh viện, do đó phải giải quyết vấn đề một cách toàn cục.

"Không bảo vệ bác sỹ là tự ghè đá vào chân mình, người dân chịu thiệt thòi đầu tiên. Bảo vệ bác sỹ là bảo vệ cho chính mình" - ông Thắng nói và nhấn mạnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải được đặt lên hàng đầu, lập an toàn cho cơ sở y tế, các bệnh viện.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chỉ đạo yêu cầu cấp chính quyền địa phương vào cuộc, nếu chỉ mỗi ngành y tế và công an thì không giải quyết được.

Theo ĐB tỉnh Quảng Trị, hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác phải hình sự hóa, nếu xử lý hành chính sẽ không triệt để. Còn biện pháp khuyên bác sỹ "tự bảo vệ" chỉ là biện pháp phụ.

"Bác sỹ phải tay mềm để chữa bệnh cho bệnh nhân chứ cơ bắp mà đánh nhau thì không được. Vì vậy chính quyền địa phương phải vào cuộc" - ông Thắng nêu quan điểm.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ ngành Y đang cảm thấy đơn độc trong việc chống bạo lực. "Tôi đã 2 lần lên truyền hình trả lời phỏng vấn về vấn đề này, mặt nhăn nhó không muốn lên, nhưng vì quá đơn độc.

Nếu ngành khác hy sinh trong lúc làm việc còn được đến viếng, còn như bác sỹ bị đâm chết ở Thái Bình, chúng tôi đến không thấy bộ ngành nào đến viếng cả" - bà Tiến nêu thực tế.

Do đó, theo người đứng đầu ngành Y tế, chính quyền, MTTQ, và báo chí phải vào cuộc cùng.

Bà cũng cho rằng, bác sỹ có võ cũng "không ăn thua", nhưng nếu lực lượng 113 đi tuần tra thì sẽ giải quyết được phần nào vấn đề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại