Phát biểu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Trường ĐH Johns Hopkins, bà Yellen hôm 20-4 đã trình bày các mục tiêu chính của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với mối quan hệ kinh tế "thiết yếu" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh Trung Quốc có thái độ đối đầu hơn với Mỹ và các đồng minh của họ.
Bộ trưởng Tài chính nói: "Mối quan hệ của hai bên rõ ràng đang ở thời điểm căng thẳng". Nữ bộ trưởng dự định tới Bắc Kinh "vào thời điểm thích hợp" để gặp gỡ những người đồng cấp Trung Quốc nhằm giúp kiểm soát mối quan hệ hai bên "có trách nhiệm" nhưng bà không cho biết thông tin chi tiết về thời gian của chuyến đi.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, bà Yellen đưa ra tuyên bố trong bối cảnh gia tăng căng thẳng và bi quan trong mối quan hệ Mỹ-Trung liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia, bao gồm Đài Loan, cuộc chiến của Nga ở Ukraine, lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ đối với các công nghệ tiên tiến...
Bà Yellen so sánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang chậm lại của Trung Quốc, lập luận rằng Mỹ vẫn là quốc gia kinh tế dẫn đầu của thế giới không thể sánh được về các số liệu từ sự giàu có đến đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên, bà Yellen cũng nói rằng một Trung Quốc đang phát triển là lợi ích của cả hai nước, miễn là nước này tuân theo các quy tắc toàn cầu. Bà cũng nhấn mạnh mối quan hệ đối tác "không giới hạn" của Trung Quốc với Nga, gọi đó là một dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy họ không nghiêm túc về việc chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Nữ bộ trưởng này cho biết chính quyền tìm cách thúc đẩy "cạnh tranh lành mạnh" và hợp tác, nếu có thể, về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, xóa nợ và ổn định kinh tế vĩ mô mặc dù bà gọi Trung Quốc là "rào cản" đối với việc tái cơ cấu nợ đối với các nước nghèo.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng các hành động của Washington chống lại Trung Quốc chỉ được thúc đẩy bởi những lo ngại về an ninh quốc gia, chứ không phải để đạt được lợi thế trong cạnh tranh kinh tế. Theo bà Yellen, chính quyền ông Biden không tìm kiếm một cuộc cạnh tranh "thắng ăn cả" và tin rằng cạnh tranh kinh tế lành mạnh với bộ quy tắc công bằng có thể mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia về lâu dài.