Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên chất vấn trước Quốc hội về tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thuế.
Theo đại biểu Cường, trên thực tế, lĩnh vực thuế vẫn tiềm ẩn nhiều tham nhũng với thủ đoạn từ vòi vĩnh đến thông đồng để bỏ sót nguồn thu và áp mức thuế khoán, giá tính thuế không đúng, thậm chí bày cho hộ kinh doanh cách trốn thuế.
Theo nghiên cứu năm 2015 thì có 63% hộ kinh doanh "đi đêm" với cán bộ thuế. Tham nhũng thuế cộng với tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế cao đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách và làm méo mó hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường.
Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thực trạng này hiện nay còn phổ biến không? Ai chịu trách nhiệm về vấn đề này", đại biểu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, con số 63% hộ kinh doanh "đi đêm" với cán bộ nằm trong báo cáo đánh giá chỉ số hài lòng của người nộp thuế mà VCCI thực hiện năm 2015.
Bộ trưởng cho biết thêm, chương trình đánh giá chỉ số hài lòng này do chính Bộ Tài chính giao Tổng cục thuế phối hợp với VCCI tổ chức khảo sát để đánh giá.
"Đúng như đại biểu nêu năm 2015 qua khảo sát, đánh giá có 61% hộ kinh doanh "đi đêm" với cán bộ thuế nhưng 2016 vừa qua, đánh giá lại thêm một bước nữa thì còn 31%.
Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với VCCI, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, dự án khảo sát mức độ hài lòng của người nộp thuế, đồng thời để đưa ra nhiều giải pháp giải quyết vấn đề này.
Trong đó, có giáo dục tư tưởng của cán bộ thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, trên kiểm tra dưới như Tổng cục, cục xuống các xã, phường, thay đổi quy trình nghiệp vụ theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn...", Bộ trưởng nêu.
Trước đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chất vấn liên quan tới giải pháp thu thuế các hình thức kinh doanh mới, bán hàng qua mạng.
"Việc kiểm soát thuế bằng phương pháp truyền thống qua hoá đơn đã không còn tồn tại. Vậy, phương thức thu thuế trong tương lai sẽ thay đổi thế nào?", ông hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua các doanh nghiệp này đã tự giác kê khai.
Theo Bộ trưởng, qua thanh tra, cơ quan thuế đã thu truy thu thêm, như với Uber là gần 67 tỷ đồng, Grab hơn 3 tỷ.
Với các loại hình kinh doanh trên mạng, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận "đúng là hiện nay kinh doanh trên Facebook, Google... đã kê khai, nhưng chưa thu được".
Ông cho biết thên, tại một số địa phương đã rà soát được nhiều địa chỉ kinh doanh, buộc yêu cầu đăng ký mã số thuế kinh doanh qua mạng... nhưng lâu dài, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, các nhà mạng rà soát.
"Quản lý kinh doanh qua mạng, thu thuế qua mạng hiện rất khó. Về lâu dài yêu cầu các tổ chức, kể cả Facebook, phải có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Họ đi theo công nghệ, thì mình cũng phải đi theo", ông nhấn mạnh.