Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Thụy Điển ngày càng căng thẳng, nhiều quan chức Thụy Điển kêu gọi người dân chuẩn bị cho cuộc chiến quân sự mới. “Nga là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Thụy Điển và châu Âu trong tương lai gần" , Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson tuyên bố: “Chiến tranh có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào và Ukraine đang đóng vai trò là lá chắn của châu Âu trong cuộc xung đột với Nga".
Trong bài phát biểu hôm 7/1, ông Tobias Billstrom ca ngợi việc dự định trở thành thành viên trong khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu của Thụy Điển là “sự thay đổi lớn nhất trong chính sách an ninh của Thụy Điển trong hơn 200 năm qua”.
Năm 2023, Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên kết kéo dài hàng thế kỷ để gia nhập NATO. Nước láng giềng Bắc Âu của Thụy Điển là Phần Lan cũng thực hiện hành động tương tự khi gia nhập NATO vào tháng 4/2023.
Gần đây, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tuyên bố đưa 800 binh sĩ đến Latvia để tăng cường cho binh sĩ Canada đang đóng quân ở đó như một phần của tăng cường hiện diện tiền phương của khối tại các quốc gia vùng Baltic.
Phát biểu về tương lai của Thụy Điển trong NATO, Thủ tướng Ulf Kristersson khẳng định: "Việc sở hữu vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Thụy Điển trong thời bình là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.
Moskva nhiều lần tuyên bố việc NATO tiếp tục mở rộng về phía biên giới phía Tây của Nga cũng như mở cửa cho việc Ukraine gia nhập NATO trong tương lai là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc xung đột đang diễn ra. Nga xem NATO chính là mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia của nước này.
Trước đó, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đã cáo buộc phương Tây biến châu Âu thành “đấu trường đối đầu” . Đồng thời, ông cảnh báo việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ “có tác động tiêu cực đến tình hình ở châu Âu”.
Moskva đưa ra tuyên bố, việc cung cấp vũ khí cho Kiev đang dần đưa các nước thành viên NATO trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Phần Lan và Thụy Điển cùng nộp đơn xin gia nhập NATO. Tư cách thành viên NATO của 2 quốc gia Bắc Âu này đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nước thành viên khối khi ấy, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO hồi tháng 4. Sau đó, ngày 10/7, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ ủng hộ việc kết nạp Thụy Điển, gạt bỏ những trở ngại cuối cùng trong việc trở thành thành viên NATO của Stockholm. Tuy nhiên, quá trình kết nạp Thuỵ Điển vẫn đang diễn ra.
Khi chính thức gia nhập khối, Thụy Điển sẽ giúp NATO tăng cường sự hiện diện tại Bắc cực. Cùng với Phần Lan, Thụy Điển đang là thành viên của Hội đồng Bắc cực - tổ chức giám sát khu vực này. Nga, Mỹ và Canada cũng đang là thành viên của hội đồng trên.