Trao đổi với phóng viên báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thông tin về những kết quả ban đầu mà ngành đã đạt được cùng với phương hướng nhân rộng mô hình này trên cả nước trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh “nút thắt” chính của vấn đề y tế cơ sở là nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế…
- Xin Bộ trưởng cho biết, y tế cơ sở đã có những thay đổi đột phá như thế nào trong năm 2018?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngay từ đầu năm 2018, ngành Y tế tập trung chỉ đạo, triển khai một số nội dung quan trọng để y tế cơ sở thực sự trở thành nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam, trong đó có những đổi mới đột phá, thực chất, mạnh mẽ trong cơ chế và phương thức hoạt động của y tế xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, liên tục, toàn diện và lồng ghép.
Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho y tế cơ sở theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện (nếu chưa đủ năng lực cần tổ chức tập huấn ngay); thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về.
Hoàn thiện mô hình Trung tâm Y tế đa chức năng để gắn phòng bệnh với chữa bệnh, quản lý trực tiếp Trạm Y tế xã.
Về tài chính, Bộ Y tế giao nhiệm vụ kèm theo đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả cho y tế cơ sở; ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và Ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị.
Trong năm 2018, Bộ tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho viên chức y tế cơ sở.
Phân loại các trạm y tế xã để đầu tư không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.
Bộ triển khai quyết liệt Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để nhân rộng ra cả nước.
Qua 1 năm thực hiện, đồng thời với việc triển khai các khóa đào tạo y học gia đình, đào tạo quản lý tại các trạm y tế xã điểm và trạm y tế xã các tỉnh tham gia dự án ODA WB, EU, ADB, Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện cũng kịp thời bổ sung và đẩy mạnh luân phiên cán bộ y tế cho Trạm Y tế…
Các Trạm Y tế xã điểm đã bước đầu được sắp xếp lại công năng, sửa chữa, nâng cấp, thay đổi nội thất, trang bị thêm máy tính, đẩy nhanh tiến độ mua sắm bổ sung trang thiêt bị y tế theo danh mục và nhu cầu sử dụng; ban hành cơ chế, chính sách tài chính phù hợp; cung cấp phần mền quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, kết nối thanh toán bảo hiểm y tế và quản lý, báo cáo thống kê hoạt động của trạm; các nhiệm vụ của trạm y tế bước đầu được triển khai trên diện rộng theo nguyên lý y học gia đình.
- Bài toán về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở sẽ được giải quyết như thế nào thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có thể khẳng định đây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Trong năm 2018, ngành Y tế đã tập trung củng cố mạng lưới khám, chữa bệnh từ trung ương đến xã.
Hiện nay, mạng lưới khám, chữa bệnh từ Trung ương đến tận xã ngày càng được củng cố và hoàn thiện với hơn 1.400 bệnh viện, 180.000 giường bệnh, hàng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.00 lượt người bệnh, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật, khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp hàng năm.
Đổi mới toàn diện và đồng độ hệ thống tổ chức y tế tại tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh để hội nhập và phát triển
Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại Trạm Y tế xã và triển khai đề án tăng cường y tế cơ sở được đặc biệt quan tâm.
Lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều kiện rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân.
Nhiều trạm y tế đã lập hồ sơ, quản lý sức khỏe cá nhân, trong đó Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và một số tỉnh khác đã lập hồ sơ quản lý khoảng 85% dân số. Đa số các Trạm Y tế đã triển khai quản lý một số bệnh không lây nhiễm.
Đến nay, 9.655 Trạm Y tế xã đã triển khai quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt; 7536 Trạm Y tế quản lý bệnh nhân động kinh. Tuy nhiên, quản lý và điều trị số bệnh nhân tăng huyết áp mới được 13,6% và bệnh đái tháo đường được 28,9%.
Tuy nhiên hiện nay, tuyến y tế xã vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ.
Do đó, cùng với việc bao phủ y tế toàn dân để đảm bảo cơ chế tài chính, quyết tâm của Chính phủ thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe sẽ tạo ra một cơ chế mới, khắc phục được khó khăn này, trở thành một trong những bước thực hiện bao phủ toàn diện về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại cơ sở.
Theo kế hoạch, đến hết quý I năm 2019, giải quyết cơ bản về cán bộ và trang thiết bị y tế cho 26 Trạm Y tế xã điểm và Trạm Y tế ở các tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh thụ hướng dự án WB, ADB, EU.
Lộ trình đến 2025 bảo đảm khoảng 70% Trạm Y tế được đầu tư hoàn chỉnh, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và đến năm 2030, toàn bộ các trạm y tế trong cả nước đủ điều kiện và thực hiện mô hình này. Phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu Nghị quyết đề ra.
- Song song với đẩy mạnh y tế cơ sở, Bộ Y tế đã phát triển lĩnh vực y tế chuyên sâu như thế nào để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện các Trung tâm Y tế chuyên sâu đang được triển khai hiệu quả ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh với việc mở rộng các chuyên khoa đầu ngành để chuyển giao kỹ thuật theo chuyên ngành.
Nhờ đó, nhiều kỹ thuật về chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị ngang tầm với các nước trong khu vực như thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng, trong đó đã ghép tim thành công.
Cho đến nay, hệ thống y tế nước ta đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, tim, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu… với trên 300 bệnh nhân được ghép thận.
Cùng với việc hình thành và phát triển các Trung tâm Y tế chuyên sâu, ngành đã khánh thành đưa vào sử dụng, khởi công nhiều công trình y tế hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Ngành Y tế đã khởi công một số cơ sở khám chữa bệnh như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình 175, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Ngành đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều cơ sở khám và điều trị của các bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh:
Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Nội tiết và hàng loạt các bệnh viện địa phương; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa, Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An.
Nhờ chủ trương xã hội hóa ngành y tế, nhiều cơ sở đã trang bị được những thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh như máy xạ hình Spec, máy CT-Scan 64 lớp cắt, máy chụp cắt lớp võng mạc OTC, máy mổ Laze Lamz Excm CX3 trong cận, viễn, lão và các tật về khúc xạ, máy siêu âm 4D… góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.