Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đã gỡ 46 trang mạo danh tên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng

Hoàng Đan |

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu, cả thế giới đang phải đối diện chứ không chỉ riêng nước ta.

Người tung tin giả, tin xấu độc có thể đi tù

Tại phiên chất vấn sáng 8/11 với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đại biểu Lê Công Nhường đặt vấn đề, có nhiều trang mạng gọi là "báo chí nhân dân", có nội dung "xấu, độc" nhưng lại có lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội.

"Giải pháp nào để khắc phục bất cập nêu trên", ĐB hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyên mang tính toàn cầu, cả thế giới đang phải đối diện, không chỉ riêng nước ta.

Để ngăn chặn nguy cơ này, theo Bộ trưởng Hùng, đầu tiên là hành lang pháp lý. Ông nói, hiện Việt Nam đã có Luật An ninh mạng và các quốc gia trên thế giới cũng có quy định pháp luật riêng để xử lý tin sai, tin giả.

Ông cho hay, gần đây nhất, Singapore đã có quy định về xử lý tin giả với chế tài rất mạnh, trong đó, người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù.

"Người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm thì cũng phải đi tù", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh và cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT để sớm có quy định về xử lý tin giả.

Giải pháp thứ 2 được ông Hùng đề cập đến là thường xuyên làm việc với những công ty nền tảng như Facebook, Google để yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam; tìm ra danh tính tài khoản trên mạng xã hội; có công cụ tự động xoá bỏ tin xấu, độc.

Song song với đó, theo ông, cần giáo dục nâng cao nhận thức sống, phân biệt được đúng – sai trên không gian mạng. "Nếu chúng ta đọc một tin xấu là vô hình chung nuôi cái tin xấu đó và làm cho người đưa tin xấu đấy được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Facebook, Google hợp tác hơn trong việc xử lý tin bài xấu, độc

Cũng đặt câu hỏi về vấn đề này, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, sau khi Luật An ninh mạng được ban hành có dấu hiệu tin nhắn rác lại xuất hiện nhiều, không ít clip, tin bài phản cảm nội dung đồ trụy, thiếu văn hoá, nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược, nói xấu chế độ bôi nhọ lãnh đạo vi phạm nhân quyền lại xuất hiện... dẫn đến nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm.

Vị đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, các giải pháp sắp tới, xử lý như thế nào?.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đã gỡ 46 trang mạo danh tên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng - Ảnh 2.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, trước khi có Luật An ninh mạng, chúng ta đã có các cơ sở pháp lý để giải quyết vấn nạn trên không gian mạng.

Sau khi Luật An ninh mạng ra đời và có hiệu lực từ đầu năm 2019, việc giải quyết vấn đề này được làm mạnh mẽ hơn.

"Tất nhiên hiện nay còn thiếu cỡ khoảng 6 Điều khoản trên Luật An ninh mạng phải được chi tiết hoá hoá thông qua Nghị định nhưng chúng ta không dừng để đợi mà làm mạnh hơn rất nhiều", Bộ trưởng nêu rõ.

Người đứng đầu ngành TT&TT sau đó đã dẫn các kết quả xử lý vấn đề này, trong đó, nổi bật là kết quả làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới.

"Trước đây đối với Facebook mà ta yêu cầu 100 thì chỉ được khoảng 20-30 yêu cầu họ thực hiện nhưng gần đây do có nhóm làm việc nên tỷ lệ lên đến 70%.

Google ngày trước, chúng ta nói 100 thì họ chấp hành cỡ khoảng 40-50 rồi hiện nay chấp hành của họ đã lên mức 85% và thậm chí có một số nội dung hơn 90%.

Ví dụ như chẳng hạn như gỡ game xấu độc, đánh bạc thì tỷ lệ ngăn chặn Google gần đây là 92%.

Cách đây 2 ngày, Facebook đã tuyên bố chính thức chặn những quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có, những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố", Bộ trưởng thông tin.

Cũng liên quan câu hỏi này, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nêu, thời gian gần đây tình hình phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta xảy ra nhiều, phức tạp hơn về đối tượng, độc hại hơn về nội dung, đa dạng hơn về phương thức và tinh vi hơn về thủ đoạn.

ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết, trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp mới mạnh hơn sát hơn để ngăn chặn kịp thời tình hình trên?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong vấn đề phá hoại nền tảng tư tưởng trên mạng có cả các trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 

Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng, chúng ta đã phối hợp và có hẳn một lực lượng để xử lý.

"Trong 2 tháng vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rất mạnh về việc gỡ hạ xuống các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong 2 tháng vừa qua, gỡ 207 trang, trong đó, có những trang trang web để ngăn chặn, có những trang trên nền tảng mạng xã hội thì hợp tác hợp tác với nền tảng mạng xã hội.

Có 46 trang liên quan đến tên của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ tiếp tục phát huy hiệu quả của việc này để sắp tới sẽ làm với các trang liên quan đến tên lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, các thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, Bộ, ngành", Bộ trưởng nêu rõ và nhấn mạnh công cụ của chúng ta hiện nay có thể xử lý việc này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại