Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, PV Báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi: Theo thông tin trên Cổng thông tin Chính phủ, dịp Tết này các địa phương về chúc Tết giảm 70% so với năm trước. Vậy, căn cứ nào để Chính phủ đưa ra nhận định này?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng có nêu về việc các địa phương thực hiện khá tốt tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng về việc chúc Tết, tặng quà Trung ương.
Đưa ra con số 70% và 30% còn lại theo Bộ trưởng là sẽ thực hiện trong năm 2018.
"Ở đây là sự thể hiện một Chính phủ hành động, nói là làm. Thủ tướng đã ký chỉ thị và các cơ quan đều ra lệnh bắt buộc là không tiếp khách đến chúc Tết.
Ví dụ, Ban tổ chức TƯ đưa ra khẩu hiệu, không tiếp khách chúc Tết. Văn phòng Chính phủ thì tôi đã đưa ký công văn yêu cầu không tặng quà lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Vụ của cơ quan.
Tại sao vậy? Bởi, nếu như người đứng đầu không ký công văn thì anh em khó xử, cho rằng, truyền thống như thế, cả năm như thế lại vẫn thành câu chuyện cũ.
Và việc cấm chúc Tết, tặng quà không phải năm nay mới có mà chúng ta đưa ra mấy năm nay rồi nhưng không thực hiện được thì chúng ta phải làm như thế, có công khai để anh em cấp dưới rất dễ dàng ứng xử.
Nếu người đứng đầu không ký mà để Vụ trưởng Vụ tổ chức, Phó Chủ nhiệm ký thì khác hoàn toàn.
Cho nên khi chúng tôi đi trên đường, có người nói với Thủ tướng là năm nay, nhân dân đón Tết rất tốt, vui vẻ, an ninh trật tự tốt thế nhưng taxi thất thu vì số địa phương, người lên Hà Nội giảm hẳn.
Con số 70% đưa ra có thể là ước lượng nhưng có thể khẳng định, ngay tại Văn phòng Chính phủ không có địa phương nào lên chúc Tết", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Dũng cũng nêu ví dụ, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đang rất sốt ruột, muốn lên báo cáo về dự án mở rộng của Samsung ngay trước Tết.
"Nếu không làm ngay, Samsung sẽ xem xét tìm nước khác để đầu tư. Khi đồng chí Bí thư Bắc Ninh nêu chúng tôi nói ngay là nếu anh lên lúc này, dư luận biết lại nói anh lên đi Tết thì chết. Chúng tôi nói với anh là không phải lên, việc vẫn đâu vào đó.
Khi xong, chúng tôi báo cáo Thủ tướng ngay và nhà đầu tư rất phấn khởi, chuẩn bị công bố vào dịp Bắc Ninh kỷ niệm 20 năm thành lập.
Nói như vậy để thấy không có việc này còn ở chỗ này, chỗ khác, còn việc tặng quà Tết thì tinh thần chúng ta sẽ quyết liệt xử lý, đúng theo tinh thần Tổng Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo", Bộ trưởng nêu rõ.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng chia sẻ, Tết nào ông cũng về quê ăn Tết cùng gia đình.
"Tôi chưa bao giờ ăn Tết ở Hà Nội. Về ăn Tết với mẹ, với cha. Tết đấy là Tết sum vầy gia đình, cho nên Tết là đầm ấm nhất, bởi vì, chúng ta đã đi xa nhà, gia đình nên cứ mong ngóng ngày Tết, từ ông bà, con cháu.
Tết là dịp chúng ta kiểm điểm xem làm được gì, chưa làm được gì, con cháu học hành ra sao...", ông Tuấn tâm sự.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định: "Tết này, tôi không nhận bất cứ suất quà nào của bất kỳ một ai. Tôi thực hiện rất nghiêm. Tôi cũng yêu cầu bảo vệ không tiếp khách trong dịp Tết, trước Tết và không cho ai đến lãnh đạo Bộ để tặng quà.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có chỉ thị, thực hiện nghiêm chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Cục, đơn vị cũng phải thực hiện".
Chấn chỉnh hiện tượng phản cảm ở các lễ hội
Trước câu hỏi về việc tại một số lễ hội đã xuất hiện các hình ảnh phản cảm, gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, dịp đầu năm, tại các địa phương đều có lễ hội truyền thống, lễ hội vùng, lễ hội dân gian.
"Các lễ hội tại các địa phương năm nay khá tốt, đảm bảo quy chế, quy định nhà nước, của địa phương, giữ được thuần phong mỹ tục.
Tuy nhiên, ngày 2/2, tại đền Gióng có hiện tượng cướp lộc, chen lấn, xô đẩy, có hành động phản cảm, thiếu văn hoá.
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo chung rút kinh nghiệm ở Thành phố. Sáng nay Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ Văn hoá quản lý chặt chẽ, tránh hiện tượng lặp lại ở đền Gióng", Bộ trưởng nêu rõ.