Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nên bỏ từ 'giải cứu nông sản'

Phương Linh |

Qua các điểm người dân tự phát hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, tôi cảm nhận được tình cảm của người dân Việt Nam rất cao. Nhưng có lẽ chúng ta cần phải có hành động nhất quán hơn, nhất là đảm bảo cho việc phòng, chống dịch COVID 19, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Trước thực trạng nhiều đợt giải cứu nông sản trên cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã có cuộc trao đổi với báo chí về các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.

Thưa Bộ trưởng, nhiều loại nông sản đang vào mùa vụ thu hoạch như: vải, nhãn, thanh long tuy nhiên đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vì dịch COVID-19. 

Trong khi đó, việc tổ chức "giải cứu nông sản" chủ yếu là các hoạt động tự phát của nhóm tổ chức đoàn thể xã hội, chưa có nhiều điểm tiêu thụ chính quy. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thời gian gần đây có nhiều điểm giải cứu nhưng có lẽ chúng ta nên bỏ từ giải cứu mà cần hành động cụ thể hơn, vì giải cứu sẽ tạo ra tâm lý thương cảm, thương xót.

Qua các điểm người dân tự phát hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, tôi cảm nhận được tình cảm của người dân Việt Nam rất cao. Nhưng có lẽ chúng ta cần phải có hành động nhất quán hơn, nhất là đảm bảo cho việc phòng, chống dịch COVID 19.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nên bỏ từ giải cứu nông sản - Ảnh 1.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Văn Giang/Bộ NN&PTNT

Nhiều điểm gọi là giải cứu nông sản nhưng người dân chen chúc mua rồi về bỏ, hoặc dùng không hết. Có lẽ, mỗi sản phẩm nông nghiệp cần được nâng niu hơn để nó tạo ra giá trị, bởi đó là công sức của bà con.

Ngày 1/6, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch một cách chính quy hơn vừa tiêu thụ được sản phẩm vừa đảm bảo về chất lượng nông sản mà an toàn dịch bệnh. 

Từ mô hình phối hợp này sẽ trở thành một hệ thống từ Trung ương xuống các địa phương, tới tận cấp xã.

Đồng thời, Bộ sẽ cùng với Hiệp hội ngành hàng và các nhà bán lẻ của Việt Nam xây dựng các chương trình kết nối cung cầu.

Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các đơn vị phối hợp vừa nêu xây dựng các mô hình điểm chuẩn hóa để hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch. Từ mô hình đó, Bộ cũng kêu gọi xã hội áp dụng, nhân rộng để vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản, vừa bảo vệ người dân trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh đang diễn biến rất là khó lường.

Bộ NN&PTNT sẽ lựa chọn một vài điểm ở Hà Nội, TP.HCM và một vài địa phương. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ hơn nữa cho những đơn vị vận tải vận chuyển nông sản trong nước để không xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ, không làm khó thêm các phương tiện này.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhiều địa phương đã đưa ra các kịch bản tiêu thụ nông sản. Điển hình như quả vải, có kịch bản sẽ đưa 90% sản phẩm vào tiêu thụ nội địa, liệu kịch bản này có khả thi, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong tuần này, một số đồng chí Thứ trưởng sẽ đi các cửa khẩu phía Bắc để làm việc với các cơ quan thương mại của các tỉnh Trung Quốc. Tôi sẽ họp cùng với các hệ thống phân phối để làm sao quả vải đỡ rủi ro nhất.

Hiện tỉnh Bắc Giang mới vào đầu vụ, chưa phải là chính vụ nên cần thống kê lượng vải, ước lượng có thể tiêu thụ sang Trung Quốc cũng như các thị trường khác như thế nào? Còn lại thị trường nội địa là bao nhiêu thì lúc đó Bộ cũng sẽ có sự cân đối lại cùng với các hệ thống phân phối.

Ngay trong ngày 31/5 tôi có mời các hệ thống phân phối cùng đi Bắc Giang để chính hệ thống phân khối sẽ kết nối với bà con.

Trong tình hình cấp bách hiện nay, chúng ta phải tổng lực ra quân, vì tình hình cấp bách, bà con cũng đang rất nóng ruột. Điều này cũng đòi hỏi Bộ NN&PTNT phải có lời giải mang tính chất dài hạn, bền vững chứ không phải cứ đợi đến khi dư thừa rồi mới ra quân thì đã muộn và giá trị nông sản đã giảm xuống.

Thưa Bộ trưởng, xác định "sống chung với dịch" trong thời gian dài, thì những giải pháp nào thích hợp vừa đảm bảo quy định phòng chống dịch, vừa đảm bảo việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản phù hợp tình hình mới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đó là phải có thông tin từ sản xuất tới tiêu thụ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mỗi địa phương cũng phải xác định được trách nhiệm không chỉ giúp bà con sản xuất sản lượng nhiều mà phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, làm sao kết nối được tư duy kinh tế, tư duy thị trường. 

Không làm tốt việc kết nối thị trường thì dù là trong nước hay nước ngoài cũng sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản.

Về lâu dài chúng ta cần thiết lập được kênh thông tin 2 chiều, không để đến khi sản phẩm thu hoạch thì mới thấy nó thừa hay thiếu mà trước khi thu hoạch từ 15 đến 20 ngày, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chủ động thông tin về Bộ để Bộ chủ động thông tin vào hệ thống phân phối.

Đồng thời, cần xây dựng một hệ thống giải pháp từ việc thiết lập kênh tiêu thụ gắn với chuyển đổi số để nắm bắt được thông tin thị trường giữa các hợp tác xã với các đơn vị phân phối.

Bộ sẽ xây dựng kho dữ liệu cập nhật thường xuyên cho hệ thống phân phối để biết rằng ở tỉnh nào đó sẽ chuẩn bị thu hoạch sản phẩm gì, lượng thế nào để các hệ thống phân phối chủ động chuẩn bị phương tiện vận chuyển, kho bãi, giải pháp bảo quản và ký kết hợp đồng với đối tác.

Chúng ta cũng sẽ thông qua bưu điện để vận chuyển nông sản từ ruộng, vườn đến hệ thống phân phối. Tôi nghĩ rằng khi đó chúng ta hạn chế rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bắc Giang đề nghị không dùng từ "giải cứu"

Theo văn bản UBND tỉnh Bắc Giang gửi Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) ngày 31/5, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bắc Giang đang triển khai mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, thu hoạch nông sản.

Để góp phần cổ vũ, động viên, hỗ trợ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang sớm khống chế được dịch bệnh, khôi phục sản xuất, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Cục Báo chí chỉ đạo các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền chất lượng vải thiều Bắc Giang, việc sản phẩm này đang được tiêu thụ, xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ… và tiêu thụ trong thị trường nội địa.

Do đó, tỉnh Bắc Giang đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu" khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung, quả vải thiều nói riêng bởi sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình thu hoạch sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại