Bộ trưởng Indonesia: "Trung Quốc gọi đó là đánh bắt cá, chúng tôi gọi đó là tội phạm xuyên quốc gia"

Tất Đạt |

Mới đây, bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Indonesia, đã có những lời phát biểu đanh thép dành cho Trung Quốc - quốc gia có nhiều tàu đánh cá lớn nhất thế giới.

Nhức nhối vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp

"Điều họ làm không phải là đánh bắt cá, đó là hành vi phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia. Họ [Trung Quốc] cần phải tự nhận thức được điều đó," bà nói trong một cuộc hội thảo ở Jakarta.

"Chúng tôi đã có vài bất đồng [với Trung Quốc] về hoạt động đánh cá bất hợp pháp, không kiểm định và không báo cáo. Họ vẫn không cho rằng đó là hoạt động phạm tội xuyên quốc gia. Nhưng hầu như các tàu đánh cá Trung Quốc đều có đội thủy thủ đa quốc gia. Nếu không có sự hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ không thể giải quyết vấn đề này," bà Pudjiastuti nói.

Trong vòng 4 năm, Indonesia đã cấm 10.000 tàu nước ngoài đánh cá trong vùng biển của nước này. Từ đó, hàng trăm tàu đánh cá đã bị bắt giữ, tịch thu và đánh chìm. Đa số các tàu này tới từ Trung Quốc Đại lục, Đài Loan, Thái Lan và Philippines. Nhiều tàu đã tìm cách lách luật bằng cách treo nhiều cờ hoặc đăng kí với một số công ty ở Indonesia.

Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc các tàu của nước này bị phá hủy. Hai năm trước, Trung Quốc khẳng định sẽ có động thái chống lại việc đánh bắt cá quá mức và tốc độ phát triển chóng mặt của ngành công nghiệp cá, bao gồm cả việc giảm số lượng tàu đánh cá.

Theo Thời báo Hoàn cầu, tuần trước, một quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn tiết lộ chính quyền Trung Quốc sẽ "không khoan nhượng" với các tàu đánh cá vi phạm pháp luật và quy định trên biển.

Bộ trưởng Indonesia: Trung Quốc gọi đó là đánh bắt cá, chúng tôi gọi đó là tội phạm xuyên quốc gia  - Ảnh 1.

Một ngư dân phơi vây cá mập tại Banyuwangi. Ảnh: Reuters

Nhưng theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNFAO), hơn 1/3 lượng cá thế giới đang bị suy giảm quá mức. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường cá Trung Quốc đang ngày càng đòi hỏi nhiều hơn lượng hải sản tươi, chất lượng cao, Bắc Kinh được cho là đã khuyến khích ngư dân đánh bắt cá xa hơn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

"Một tàu đánh cá trọng tải 100 tấn có thể bắt được 2.000 tấn cá một năm. Như vậy là hàng triệu tấn, hàng tỉ USD. Đó là hoạt động kinh doanh lớn ở quy mô đa quốc gia. Họ [Trung Quốc] gọi đó là đánh bắt cá. Chúng tôi gọi đó là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Chúng tôi không thể đồng thuận với Bắc Kinh ở điểm này," bà Pudjiastuti lý giải.

Cần nhiều nỗ lực hợp tác quốc tế

Ngoài ra, bà Pudjiastati còn chỉ ra rằng ngư dân Trung Quốc đã bị phát hiện khi tìm cách đánh bắt cá mập ở quần đảo Galapagos tại vùng biển phía Nam Thái Bình Dương - một trong những kho báu đa dạng sinh học của thế giới.

"Tại sao ngư dân [Trung Quốc] có thể đi qua 3/4 bề mặt trái đất và đem 400 tấn cá mập về từ vùng biển được bảo vệ?"

"Hi vọng với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế về nguồn gốc, tính hợp pháp để đánh bắt cá, Trung Quốc sẽ hiểu rằng họ phải tuân thủ pháp luật chung về hoạt động đánh bắt cá xa bờ," bà Pudjiastati lên tiếng.

Các bộ trưởng và đại diện từ 35 quốc gia sắp tham dự Hội nghị Đại dương cùng 200 tổ chức phi chính phủ và tư nhân khác. An ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, ô nhiễm biển và đánh bắt cá quá mức nằm trong những nội dung được ưu tiên thảo luận.

Nhưng được biết, Trung Quốc sẽ không cử đi đại diện cấp cao.

Bà Pudjiastati cho biết thêm, nếu không có nhiều cam kết quốc tế hơn để giải quyết vấn đề, các loài cá với tập tính di cư xuyên qua các vùng biển như cá ngừ vây vàng và cá tuyết sẽ bị ảnh hưởng.

"Tôi muốn viết mọi điều vào một quyển sách để thuyết phục lãnh đạo các quốc gia - những người vẫn tưởng 'biến đổi khí hậu không phải là vấn đề lớn, chỉ là chuyện không có thật và chẳng ảnh hưởng tới ai hết' - rằng ưu tiên và áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường thực ra đem lại rất nhiều nguồn lợi tài chính.

"Tôi xin được chia sẻ rằng, chỉ với 8 triệu USD chi phí cho việc tuần tra, giám sát và đánh chìm các tàu đánh cá bất hợp pháp, chúng tôi đã tiết kiệm được hàng triệu, thậm chí hàng tỉ USD. Có thể một ngày các lãnh đạo cũng sẽ nhìn ra điều đó," bà Pudjiastati kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại