Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay trong Thông tư 49 hiện hành không hề có quy định nào về khoảng khách các trạm thu giá. Khoảng cách hai trạm cách nhau 70 km từng được đưa ra tại một thông tư khác của Bộ Tài chính. Không hiểu vì sao trong quá trình soạn thảo thông tư sửa đổi, các đơn vị trực thuộc bộ lại đưa vào rồi bỏ ra, tạo dư luận không tốt, tạo sự hiểu lầm cho người dân.
“Tôi thấy lạ, vì chúng ta không xem xét khoảng cách trong Thông tư 49. Vì sao Tổng Cục đường bộ lại đưa việc này vào, đã tạo ra một dư luận không tốt.
Rõ ràng, sắp tới không áp dụng cự ly khoảng cách trạm thu giá nữa. Bởi từ nay về sau xây dựng các trạm BOT trên các tuyến đường mới, khi thực hiện dự án thì thu giá, nếu bà con không đi đường mới thì đi đường cũ.
Còn việc thu giá trên đường mới thì không phải để ý nữa. Về vấn đề này, Tổng cục đường bộ Việt Nam phải giải thích rõ ai là người đưa quy định khoảng cách vào, các anh đưa vào nhằm mục đích gì? ”, Bộ trưởng bức xúc.
Trước đề nghị của Bộ trưởng, đại diện lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam lý giải: Đơn vị xây dựng quy định dựa trên góp ý từ các bộ ngành, đồng thời từ chỉ đạo của từ Văn phòng chính phủ và đề nghị từ các kết luận của đơn vị thanh tra, kiểm toán nhà nước với dự án BOT.
Đại diện Tổng cục đường bộ cũng cho rằng, việc đưa quy định khoảng cách trạm vào dự thảo lần 1 chỉ là nhắc lại.
Kết luận buổi họp, Bộ trưởng Bộ GTVT một lần nữa khẳng định: Kể từ nay về sau, Bộ GTVT sẽ không triển khai BOT trên đường độc đạo, hay đường hiện hữu. Chỉ triển khai BOT trên đường mới hoàn toàn.
Để thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GTVT mong tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, tạo sự đồng thuận trong dân.
Tiếp nữa, từ nay về sau các trạm thu giá BOT sẽ chỉ ứng dụng thu phí kín, thu phí không dừng, giúp dòng xe đi nhanh hơn, người dân và doanh nghiệp giảm thời gian dừng đỗ chờ, giúp cho chúng ta giám sát thu chi một cách minh bạch.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng đưa ra định hướng với tổ soạn thảo thông tư sửa đổi. Làm sao tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp và người dân.
Nghiên cứu dự thảo các thông tư theo hướng cắt giảm thủ tục, chứ không phải đơn giản thủ tục, để xã hội và Bộ Giao thông đều được lợi.