Bộ trưởng Dũng nêu 6 giải pháp tạo "đột phá" của Chính phủ

Hoàng Đan |

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu rõ các giải pháp tạo "đột phá" trong xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Xây dựng Chính phủ phục vụ

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, trong cuộc họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến những định hướng lớn trong chỉ đạo.

"Trước hết là xây dựng chính phủ trong sạch, liêm chính, một Chính phủ hiệu quả, nói không với tham nhũng tiêu cực, lãng phí, một Chính phủ làm gương với xã hội là nói đi đôi với làm", ông Dũng nói.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường kỷ cương phép nước, chấn chỉnh tình trạng thực thi pháp luật, kỷ cương phép nước không nghiêm, đặc biệt trong khu vực hành chính công.

Muốn như vậy cần phát huy quyền dân chủ của người dân, người yếu thế trong xã hội, dân chủ kỷ cương là hai vấn đề quan trọng, có quan hệ mật thiết với nhau.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (người đứng).
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (người đứng).

"Thủ tướng cũng đặt vấn đề phải chuyển mạnh từ phương thức quản lý hành chính sang Chính phủ phục vụ, hướng tới doanh nghiệp, người dân.

Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là hiệu quả thước đo của Chính phủ, chính quyền các cấp", ông Dũng khẳng định.

Phân định rõ chức năng quản lý và thị trường. Những nội dung nào, việc nào thị trường làm tốt thì dành cho thị trường làm hay nói cách khác phải phân cấp, phân quyền và làm những việc, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách.

Mục tiêu là thu hút vốn của người dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp, xây dựng".

Cùng với đó, theo ông Dũng, Thủ tướng cũng khẳng định, thời gian tới, Chính phủ hướng tới sẽ dần xóa bỏ cơ chế "xin - cho" và đây là quyết tâm phải thực hiện.

Chính phủ cũng hết sức quan tâm đến việc phân cấp. Những việc gì, nội dung gì Bộ, ngành, địa phương làm tốt thì phân cấp, không được đùn đẩy lên Thủ tướng Chính phủ những việc thấy rằng Bộ, ngành địa phương làm tốt, đồng thời, gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

Đề cao vai trò trách nhiệm các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan đơn vị trong việc giải quyết, tháo gỡ vưỡng mắc xây dựng thể chế, cơ chế chính sách và sự phối hợp của các Bộ, ngành địa phương.

"Các định hướng này đều được các thành viên Chính phủ đồng lòng, nhất trí cao", ông Dũng nêu rõ.

6 giải pháp tạo đột phá của Chính phủ

Để ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra (6,7%), theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu.

Trước hết, triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch năm 2016, Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành năm 2016.

Trong đó tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); kiên quyết xóa bỏ các giấy phép về điều kiện kinh doanh (giấy phép con) không cần thiết.

Thứ ba, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng xuất khẩu.

Thúc đẩy tiêu dùng trong nước; mở rộng mạng lưới tiêu thụ và phân phối sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian. Nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng phát triển du lịch.

Thứ tư, thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Chủ động khai thác các cơ hội, thuận lợi, hạn chế những tác động bất lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định TPP, Việt Nam - EU,...

Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội dưới các hình thức hợp tác công tư (PPP) phù hợp.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, sử dụng các chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi.

Đồng thời, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vùng sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả tình trạng hải sản chết bất thường, sự cố môi trường tại một số tỉnh ven biển miền Trung.

Hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc phát triển nuôi trồng, khai thác, tiêu thụ hải sản; hỗ trợ gạo, ổn định đời sống cho ngư dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại