Bộ trưởng Công an lý giải nguyên nhân tội phạm tham nhũng bỏ trốn được

Bảo Bình |

Bộ trưởng Tô Lâm đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến tội phạm tham nhũng trong sáng nay 18/11.

Trong phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao, trả lời đại biểu về một số vấn đề liên quan đến tội phạm tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận, công tác phát hiện điều tra tội phạm tham nhũng trong thời gian qua còn một số hạn chế, chưa đạt được như mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thời gian qua có một số đối tượng có dấu hiệu tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. 

Lý giải về điều này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, do trước đó, những đối tượng này chưa bị khởi tố nên cơ quan chức năng chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Cụ thể, các quy định pháp luật chỉ cho phép cơ quan công an thực hiện các biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo nên một số đối tượng tham nhũng bỏ trốn trước khi bị khởi tố.

Sau khi có đủ căn cứ để khởi tố, bắt giữ, cơ quan điều tra đã tiến hành truy bắt theo quy định.

Theo Bộ trưởng Lâm, một số trường hợp bị tố giác đã bỏ trốn ra nước ngoài tiêu hủy chứng cứ gây khó khăn cho công tác điều tra. Trong quá trình thực hiện, Luật tố tụng hình sự đã khắc phục điểm yếu này.

Về nguyên nhân một số vụ án tham nhúng điều tra còn chậm, Bộ trưởng Công an đưa ra 5 nguyên nhân:

Thứ nhất, do tội phạm tham nhũng có trình độ chuyên môn, có quan hệ rộng, có nhiều thủ đoạn tinh vị che dấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Thứ hai, các vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian xảy ra khá lâu mới được phát hiện, hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức tinh vi. Các đối tượng thường cất giấu tài sản, hợp lý hoá hoặc tiêu huỷ tài liệu chứng cứ nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn, thời gian điều tra kéo dài.

Thứ ba, việc điều tra tham nhũng có yếu tố nước ngoài thường phải qua công tác tương trợ tư pháp, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng nên mất nhiều thời gian.

Thứ tư, công tác giám định tư pháp nhất là giám định tài chính, kế toán, xây dựng còn nhiều vướng mắc, bất cập, thời gian giám định dài. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định vì nhiều lý do khác nhau đã từ chối giám định hoặc kéo dài thời gian giám định.

Thứ năm, một số văn bản quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng chưa chặt chẽ dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá thống nhất chứng cứ, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại