Bộ trưởng, Chủ tịch thành phố là những nhà kỹ trị

Văn Kiên (thực hiện) |

Việc bà Ðào Hồng Lan trở thành quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên trong lịch sử không phải là nhà chuyên môn đã mở ra những tranh luận sôi nổi về tiêu chuẩn lãnh đạo ngành Y. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, khi y tế là lĩnh vực liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người. Ðể có góc nhìn rõ hơn, Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng, Chủ tịch thành phố là những nhà kỹ trị - Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (phải) và tân Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: PV

Bộ trưởng làm chính sách, chuyên môn đã có chuyên gia

Ở nhiều nước trên thế giới, việc bộ trưởng không phải là nhà chuyên môn là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc quyền Bộ trưởng Bộ Y tế không phải nhà chuyên môn lại gây ra nhiều tranh luận. Từng nhiều năm làm công tác nội vụ, quan điểm của ông thế nào?

Thông lệ từ trước đến nay, không chỉ Bộ trưởng Bộ Y tế đâu, mà các bộ chuyên ngành khác, nhân sự được chọn thường là nhà chuyên môn, thậm chí chuyên môn giỏi. Như 2 nhiệm kỳ gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đều là những người có chuyên môn giỏi, học thuật cao, như bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Phó Giáo sư, Tiến sỹ), ông Nguyễn Thanh Long (Giáo sư, Tiến sĩ).

Bà Đào Hồng Lan , có lẽ là trường hợp duy nhất, từ năm 1945 đến nay giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Y tế mà không phải nhà chuyên môn. Đó cũng là lý do dẫn đến nhiều tranh luận trong xã hội. Nếu chúng ta chọn được người vừa có chuyên môn, lại giỏi quản lý, điều hành làm Bộ trưởng hay quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thì lý tưởng quá. Tuy nhiên, lý tưởng đó không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được.

Nhìn ra thế giới chúng ta thấy, việc bộ trưởng không phải nhà chuyên môn là chuyện hết sức bình thường. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ở nhiều nước không xuất thân trong quân đội, còn rất trẻ, có người mới ngoài 40 tuổi, thậm chí còn là nữ giới. Vậy mà họ vẫn thực thi tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Với nước ta, tôi nghĩ không nên quá khắt khe yếu tố chuyên môn. Nếu có thì tốt mà không có cũng chẳng sao. Bộ trưởng trước hết phải là nhà chính trị, chính khách, am hiểu và tuân thủ pháp luật.

Nhưng ở ta, do chưa có sự phân tách hợp lý giữa hành pháp chính trị với hành chính công vụ, nên làm bộ trưởng không có chuyên môn hết sức vất vả, khó khăn trong thực thi nhiệm vụ?

Tôi tin rằng, Bộ Chính trị đã cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trong việc lựa chọn nhân sự làm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Trước mắt, việc quyền Bộ trưởng Bộ Y tế có chuyên môn về kinh tế cũng rất tốt cho ngành, nhất là sau vụ Việt Á nổi lên biết bao vấn đề về mua sắm thiết bị, đấu thầu thuốc men, xã hội hóa y tế... Hơn nữa, bà Lan đã từng có quá trình làm Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ít nhiều liên quan đến vấn đề an sinh xã hội , bảo hiểm nên lĩnh vực y tế, có lẽ không quá lạ lẫm.

Đặc biệt, như tôi đã nói ở trên, bộ trưởng là chính khách, nhà chính trị nên phải có nhãn quan chính trị. Những vấn đề chuyên môn y khoa phức tạp thì đã có những bác sỹ, chuyên gia giỏi xử lý. Dưới bộ trưởng còn có các thứ trưởng phụ trách từng chuyên môn, nhiệm vụ. Dưới nữa còn có các cục, vụ… Do đó, việc Bộ trưởng hay quyền Bộ trưởng Bộ Y tế không phải là nhà chuyên môn nên coi là chuyện bình thường. Điều quan trọng là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phải biết lắng nghe, biết trọng dụng và sử dụng người tài.

Tiền lệ mới để tách chuyên môn và quản lý

Thời gian qua, không ít giám đốc bệnh viện là thầy thuốc giỏi, vướng lao lý vì liên quan đến kinh tế. Với tiền lệ “khác biệt” trong bổ nhiệm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, theo ông, thời gian tới có nên thay đổi mạnh mẽ tiêu chí lựa chọn cán bộ, để tách quản lý và chuyên môn, giúp các bác sĩ giỏi an tâm công tác, không vướng bận với việc mua sắm, đấu thầu?

Sau khi xảy ra một số vụ việc ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội và các vụ việc liên quan đến Việt Á , xuất hiện nhiều tranh luận về việc giám đốc bệnh viện có nhất thiết phải là người giỏi chuyên môn không, có nhất thiết phải là giáo sư, tiến sĩ không? Phải chăng giám đốc bệnh viện chỉ cần người có am hiểu nhất định về ngành y thôi là đủ, thậm chí có thể đưa người giỏi ở bên ngoài về quản lý, điều hành hoạt động kinh tế, làm người đứng đầu các bệnh viện không?

Nếu điều này được thực hiện thì khi đó, người đứng đầu sẽ tập trung vào quản trị, điều hành các hoạt động kinh tế và những vấn đề liên quan, còn chuyên môn đã có bác sỹ giỏi, các phó giám đốc, trưởng khoa, chuyên gia tham mưu, hoặc trực tiếp xử lý. Tôi nghĩ, đây là cách mà chúng ta nên nghiên cứu thực hiện. Vì giám đốc bệnh viện đâu chỉ nhà chuyên môn mà còn biết bao nhiêu vấn đề khác, từ tài chính, thu chi, đấu thầu thuốc men, mua sắm trang thiết bị, xây dựng… Việc nhiều giáo sư tiến sỹ xuất sắc, những đôi “bàn tay vàng” trong ngành y bị xử lý hình sự vì những vấn đề liên quan đến kinh tế, vô cùng xót xa.

Bộ trưởng phải là nhà kỹ trị, có nhãn quan, tầm nhìn trong việc xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách của ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách. Còn làm như thế nào thì đã có đội ngũ tham mưu giúp việc, cố vấn, các chuyên gia trên từng lĩnh vực cụ thể.Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

photo-1

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Cần tầm nhìn

Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội là bác sỹ Trần Duy Hưng. Hơn 20 năm giữ trọng trách, bác sỹ Trần Duy Hưng đóng góp rất lớn cho Thủ đô. Phải chăng quan trọng trong lựa chọn cán bộ là đúng người? Chủ tịch Hà Nội phải có tầm vóc của một chính khách, hoạch định những vấn đề lớn, chứ không nhất thiết cứ phải chuyên môn giỏi về kinh tế, quy hoạch, xây dựng…?

Đúng như vậy. Bác sĩ Trần Duy Hưng là nhà kỹ trị rất giỏi. Hơn 20 năm đứng đầu thành phố được nhiều người quý trọng. Vì thế chọn Chủ tịch Hà Nội đâu nhất thiết cứ phải là kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư… Kỹ sư xây dựng nhưng không phải nhà kỹ trị, không có khả năng hoạch định chính sách, tầm nhìn thì chưa chắc đã tốt.

Cũng như Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hà Nội phải là nhà kỹ trị, có tầm nhìn, có khả năng hoạch định chính sách, còn sự vụ hãy để cấp phó, chính quyền các cấp lo liệu, xử lý theo quy định về phân công, phân cấp.

Với nhân sự được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh là người “luân chuyển”, qua rất nhiều vị trí, nhiều địa phương. Đây có phải lợi thế để ông Thanh rút ra các bài học, kinh nghiệm để điều hành hoạt động của Thủ đô tốt hơn?

Cũng như Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hà Nội phải là nhà kỹ trị, có tầm nhìn, có khả năng hoạch định chính sách, còn sự vụ hãy để cấp phó, chính quyền các cấp lo liệu, xử lý theo quy định về phân công, phân cấp.

Ông Trần Sỹ Thanh luân chuyển rất nhiều nơi, kinh qua nhiều vị trí nên chắc chắn là người có kinh nghiệm.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, Chủ tịch Hà Nội có tầm nhìn, có khả năng hoạch định chính sách. Bây giờ nhìn vào Hà Nội chúng ta thấy có rất nhiều vấn đề. Quy hoạch Hà Nội trước đây rất tốt nhưng khi thực hiện lại rất dở, điều chỉnh quá nhiều dẫn đến phá vỡ cảnh quan, quy hoạch, kiến trúc, như đường Lê Văn Lương là ví dụ điển hình.

Đặc biệt, qua hai đời chủ tịch bị xử lý hình sự thì về mặt đạo đức, người dân mong muốn Chủ tịch Hà Nội phải là người “sạch sẽ”; không có tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm; luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại