Quân đội có quyền bắn phương tiện bay siêu nhẹ để răn đe nếu không chấp hành chế áp

Duy Anh |

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh trường hợp chế áp để hạ cánh đối với phương tiện bay siêu nhẹ, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo an toàn an ninh.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận sáng 27/6 về dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, về các nội dung cụ thể, cơ quan soạn thảo đã có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội và tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng không nhân dân để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo đó, dự thảo luật nêu rõ nhiệm vụ phòng không không quân là phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m. Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, việc xác định độ cao 5.000m không phải việc khó.

Về cấp phép bay, Bộ Công an cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái của Bộ Công an. Bộ Quốc phòng cấp phép cho các phương tiện bay của Bộ Quốc phòng. Các phương tiện bay khác đều phải đăng ký ở Bộ Công an, nhưng trách nhiệm quản lý ở Bộ Quốc phòng, do Bộ Quốc phòng có các trang bị bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này.

Từ trước tới nay, Bộ giao cho Cục Tác chiến cấp phép, nhưng đến nay, số lượng phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái tăng nhiều, Bộ sẽ tính toán, có thể quy định cho cấp dưới cấp phép, ở cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng. Tuy nhiên, khi thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an có thể đình chỉ chuyến bay.

Quân đội có quyền bắn phương tiện bay siêu nhẹ để răn đe nếu không chấp hành chế áp- Ảnh 1.

Bộ trưởng Phan Văn Giang - Ảnh: Quochoi.vn

Về quy định điều khoản “quét” ở Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, Bộ trưởng bày tỏ hoàn toàn nhất trí và sẽ bổ sung thêm quy định này vào dự thảo Luật để đảm bảo đầy đủ, toàn diện hơn.

Về xác định phương tiện bay siêu nhẹ, Bộ trưởng cho biết đây là loại hình phương tiện phục vụ cho việc biểu diễn nghệ thuật. Về việc tập huấn, nội dung chương trình phải được thống nhất, nhưng từng chỉ huy, từng cơ quan đơn vị phải xác định nội dung nào cần tập huấn, từ nội dung cơ bản, nội dung chuyên sâu, nội dung nâng cao, nội dung đặc thù.

Về nội dung quyền bắn khi thực hiện chế áp, Bộ trưởng cho biết, trường hợp chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh, đây cũng là quy định được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.

Về độ tuổi, Bộ trưởng cho biết hiện đang vận dụng tương tự như quy định độ tuổi của lực lượng dân quân tự vệ, người có độ tuổi lớn hơn, có nguyện vọng tham gia cũng sẽ được hoan nghênh. Lực lượng phòng không nhân dân chủ yếu do lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.

Về khái niệm, bảo vệ vùng trời là nhiệm vụ rất quan trọng, do nhiều lực lượng phối hợp thực hiện ở các độ cao khác nhau, từ xa đến gần, ở các tầng và nhiều hướng. Khu vực dưới 5000m là khu vực cực kỳ quan trọng trong tác chiến, vì thế, qua nghiên cứu đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, thực tiễn kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, tham khảo kinh nhiệm quốc tế, cơ quan soạn thảo đã đề xuất khái niệm như trong dự thảo.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý lại và nêu khái niệm như sau: Phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân, do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, quân nhân dự bị làm nòng cốt nhằm thực hiện tổng thể các hoạt động và biện pháp để bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo toàn tiềm lực quốc phòng và tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời, phòng chống khắc phục hậu quả tiến công đường không của địch.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc sử dụng tàu bay không người lái được khai thác tương đối phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp kỹ thuật cao như tưới tiêu và quản lý rừng. Trong lĩnh vực truyền thông, điện ảnh có flycam; trong du lịch có khinh khí cầu.

Vì vậy, đại biểu Đức đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định phân loại hoặc miễn trừ đối với việc đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, để làm giảm bớt các chi phí bảo đảm thuận lợi cho các hoạt động phát sinh phát triển kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại