Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân xin Quốc hội lùi Luật về Hội

Hoàng Đan |

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong dự thảo Luật về Hội có 33 điều thì 32 điều đều có ý kiến của các đại biểu, duy nhất còn điều 33 không có ý kiến.

Không đồng tình với ý kiến đại biểu phát biểu trước đó trong buổi thảo luận về Luật về Hội vào chiều nay 25/10, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên TT Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đăng ký tranh luận.

Đại biểu Nhưỡng cho rằng, trong dự thảo Luật này không phân biệt được các loại hội về quy mô, tính chất, đồng thời, đề nghị cần phải làm rõ vai trò của Mặt trận tổ quốc trong dự thảo Luật.

"Cần làm rõ, nếu đưa Hội Nông dân và một số các tổ chức như ý kiến của ĐBQH phát biểu thì Luật nào sẽ điều chỉnh như thế nào? Các tổ chức có Đảng đoàn do Ban bí thư quản lý thế nào? có phân biệt không?", ông Nhưỡng nêu.

Ông cũng lấy ví dụ về việc 22 năm nay, ông tham gia Hội cựu sinh viên đại học và hàng năm đều tổ chức giao lưu giao lưu.

"Theo luật này thì chúng tôi phải đăng ký mới được hoạt động hay sao? Riêng Luật này tác động mạnh mẽ tới đời sống cộng đồng, dân cư, mà báo cáo đánh giá tác động chung chung. Đề nghị báo cáo tác động phải tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đối tượng, người dân…

Nếu không làm được, thì đề nghị Quốc hội chưa thông qua. Sau sự cố Bộ Luật hình sự, Quốc hội phải rất thận trọng và chỉ thông qua những đạo luật đủ chất lượng. nếu chưa đủ chất lượng thì chưa thông qua", ông Nhưỡng đề nghị.

Ngoài ý kiến của đại biểu Nhưỡng đã có 48 đại biểu khác phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Luật này.

Giải trình thêm về dự thảo Luật này, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, phần lớn hoạt động của Hội được điều chỉnh bởi Nghị định 45 của Chính phủ và có nhiều bất cập cần bổ sung. Do đó cần một Luật để điều chỉnh.

Về những ý kiến khác về dự thảo, Bộ trưởng nêu rõ, trong dự thảo Luật có 33 điều thì 32 điều đều có ý kiến của các đại biểu, duy nhất còn điều 33 quy định về hiệu lực thi hành là không có ý kiến.

Từ thực tế này, Ban soạn thảo xin ghi nhận tất cả các ý kiến và cùng cơ quan thẩm tra tổng hợp đầy đủ, báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét để quyết định những vấn đề quan trọng trong dự thảo luật mà các đại biểu quan tâm.

Cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tổng kết các vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn, làm rõ thêm các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ quy định như kèm theo các Nghị định Chính phủ mà hiện nay chưa có dịp trình các đại biểu Quốc hội.

"Vì còn nhiều ý kiến chưa có sự đồng tình cao, còn khác nhau tranh luận cũng như ý kiến khác trong dự thảo, đặc biệt những vấn đề quan trọng từ điều 4 -12.

Do vấn đề chuẩn bị chưa được chu đáo, đầy đủ, các cơ sở dữ liệu cho đại biểu tham khảo nên cơ quan soạn thảo cho rằng cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với các đối tượng được điều chỉnh, nhất các ĐBQH.

Đề nghị chủ toạ và Quốc hội xem xét để ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cho thật chu đáo đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao thì mới thông qua.

Sau kỳ họp này, Ban soạn thảo xin ghi nhận thêm các ý kiến phát biểu của các ĐB chưa có điều kiện phát biểu tại hội trưởng. Chúng tôi sẽ cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ hoàn chỉnh dự thảo trình dự thảo trong kỳ họp sau", Bộ trưởng nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho hay, sau đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, sẽ tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ĐBQH cũng như của các cơ quan hữu quan gửi đến Quốc hội.

Đồng thời, sẽ có văn bản báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới đây với tinh thần phải chuẩn bị có một luật tốt về Hội, bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền lập hội của nhân dân và yêu cầu quản lý nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại