Sáng 14/12, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm vụ án hành chính ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông này sau 6 lần tạm dừng từ năm 2013 đến nay.
Tại phần tuyên án sơ thẩm, HĐXX cho rằng, việc Bộ GD&ĐT ban hành quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là trái quy định của pháp luật, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.
Tòa nêu rõ, yêu cầu đòi bồi thường, khởi kiện của người khởi kiện có căn cứ. Tuy nhiên, đối với yêu cầu đòi bồi thường thì người khởi kiện đã rút nên tại phiên tòa đã đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu này.
Căn cứ các quyết định của pháp luật, chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố chấp nhận một phần yêu cầu của người khởi kiện, hủy quyết định số 4674 năm 2013 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.
Đồng thời, kiến nghị Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng khôi phục học hàm, học vị của ông Hoàng Xuân Quế do thực hiện quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của Bộ GD&ĐT.
Về án phí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hành chính sơ thẩm.
Ngay sau khi tòa tuyên án, một số người thân đã mang hoa tặng, bắt tay chúc mừng ông Quế.
Trao đổi với PV sau phiên tòa sơ thẩm, luật sư Đinh Anh Tuấn, người đại diện theo ủy quyền của Bộ GD&ĐT cho biết, nội dung của bản án sơ thẩm vừa được tòa án tuyên đã nằm trong dự liệu của Bộ và với kết quả này, chắc chắn Bộ sẽ kháng cáo.
"Cốt lõi của sự việc rất đơn giản, ông Hoàng Xuân Quế có hành vi vi phạm sao chép luận án và căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật, việc Bộ trưởng thu hồi bằng là có căn cứ.
Đối với bản án, HĐXX đã đi vào các tiểu tiết trong việc giải quyết tố cáo của công dân chứ không đi vào các vấn đề cốt lõi, tuy nhiên, chúng tôi tôn trọng bản án được tuyên và chắc chắn Bộ sẽ có kháng cáo", luật sư Tuấn nêu rõ.
Luật sư Tuấn nhấn mạnh, trong vụ án này, vấn đề không phải ông Quế thắng hay ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thắng mà các quy định, quy chế trong giáo dục, cấp bằng cần phải được bảo vệ nghiêm cẩn, thực thi nghiêm túc đối với các trường hợp vi phạm.
Về kiến nghị của bản án trong việc khôi phục học hàm, học vị của ông Quế, luật sư Tuấn nêu rõ, hiện nay, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực nên Bộ GD&ĐT chưa phải thực hiện. Tuy nhiên, Bộ sẽ tuân thủ các quyết định có hiệu lực pháp luật.
Diễn biến chính của vụ kiện
Theo hồ sơ vụ án, năm 2013, do ông Quế bị tố cáo "đạo văn" luận án tiến sĩ năm 2002 của tiến sĩ Mai Thanh Quế, Thanh tra Bộ Giáo dục vào cuộc xác minh. Theo kết luận của tổ công tác, căn cứ bản luận án lưu trữ tại Thư viện Quốc gia, ông Xuân Quế đã sao chép khoảng 30%.
Thời điểm đó, ông Xuân Quế giải trình, luận án tiến sĩ mang tên mình đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia không phải là bản đưa ra bảo vệ chính thức tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước vào ngày 26/3/2003, vì không có chữ ký của ông tại phần "lời cam đoan".
Ông nghi ngờ bị đánh tráo hoặc nhầm bản khác do ông nhờ người cháu đi nộp hộ. Vì vậy, ông cho rằng bản lưu giữ tại Thư viện không có tính pháp lý, không thể dùng làm cơ sở xác định nội dung sao chép.
Trước ý kiến này, Thanh tra của Bộ cho rằng, theo quy định, nghiên cứu sinh phải nộp bản chính tại thư viện Quốc gia, lấy biên nhận gửi Bộ để làm thủ tục cấp bằng tiến sĩ.
Cả 3 chương trong cuốn luận án tiến sĩ của ông Xuân Quế có nhiều câu, nhiều đoạn, nhiều trang sao chép y nguyên của tiến sĩ Thanh Quế, nhiều nhất ở chương 3. Nếu bỏ đi phần sao chép này, luận án không đủ chất lượng để bảo vệ.
Ngày 17/7/2013, Hội đồng xác minh luận án tiến sĩ được thành lập và 7 thành viên (100%) khẳng định luận án của ông Xuân Quế có sao chép một phần từ luận án của ông Thanh Quế.
Tổ thanh tra kiến nghị thu hồi bằng tiến sĩ và thu hồi quyết định công nhận Phó Giáo sư của ông Xuân Quế; đề nghị Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân xem xét, xử lý vi phạm.
Ngày 11/10/2013, Bộ trưởng GD&ĐT thời điểm đó là ông Phạm Vũ Luận ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Xuân Quế.
Không đồng tình, năm 2013 ông Xuân Quế khởi kiện, cho rằng quyết định này trái pháp luật.